Tại Hội nghị đẩy mạnh công tác tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải ngày 27/3, ông Lê Anh Sơn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) khẳng định nếu không tái cơ cấu, Vinalines sẽ tiệm cận nguy cơ phá sản. Đến nay, tập đoàn không còn khả năng trả các khoản nợ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vinalines, những bước đi chi tiết của kế hoạch tái cơ cấu tập đoàn này vẫn gần như "giậm chân tại chỗ" do còn nhiều vướng mắc.
"Nếu chỉ thực hiện mục tiêu thoái vốn thì mới xử lý được một phần nhỏ của các khoản nợ. Cần khoanh nợ và xóa nợ thì khả năng tái cơ cấu mới thành công. Tuy nhiên, hiện các ngân hàng không muốn làm công việc này. Do đó, chúng tôi vẫn đang trong quá trình đàm phán với họ", ông Sơn nói.
Bộ trưởng Thăng cho rằng, việc tái cơ cấu Vinalines còn chậm chạp. Ảnh: Hoàng Hà |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, việc triển khai cụ thể hóa kế hoạch tái cơ cấu của Vinalines hết sức chậm chạp là do một số lãnh đạo chưa sát sao. Khẳng định chỉ có tái cơ cấu mới cứu được Vinalines, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo Vinalines làm rõ những vướng mắc, khó khăn và phải báo cáo liên tục về tiến độ.
"Cần đưa ra kế hoạch rõ ràng xem những đơn vị nào cần giữ lại, nơi nào cho phá sản, sáp nhập... Về việc đàm phán nợ với các ngân hàng, vướng ở đâu thì báo cáo ngay. Nếu cần thiết, Bộ trưởng, Thứ trưởng sẽ làm việc với các nhà băng để đàm phán, xử lý", Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
Trong 2 tháng đầu năm 2013, tổng sản lượng vận tải biển của Vinalines ước đạt 4,3 triệu tấn; doanh thu chỉ vỏn vẹn khoảng 3 tỷ đồng.
Liên quan đến việc tái cơ cấu một tập đoàn khác là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), ông Vũ Anh Tuấn - tân Tổng giám đốc cho biết, hiện cũng không có tiến triển.
Theo lãnh đạo Vinashin có 216 doanh nghiệp thuộc diện tái cơ cấu, trong đó 19 doanh nghiệp đã có thỏa thuận với DATC để mua bán nợ, cổ phần hóa. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được cổ phần hóa tại đơn vị nào. Việc cổ phần hóa 43 đơn vị mà Vinashin dự định sẽ giữ lại cũng không có bước tiến mới. Bên cạnh những tồn tại trong thực thể doanh nghiệp, ông Tuấn cho rằng công tác tổ chức điều hành chưa hiệu quả.
Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, để tái cơ cấu, tập đoàn Vinashin cần đẩy mạnh việc bán tàu để giải quyết các công nợ. "Vinashin phấn đấu từ nay đến 30/6 cơ bản bán hết những tàu nằm trong kế hoạch để trang trải nợ", Bộ trưởng chỉ đạo.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng đánh giá chung về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, Tổng công ty trực thuộc. Hiện Bộ này có 88 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Trong đó, ngoài Vinashin, Vinalines, một số đơn vị khác cũng gặp khó khăn trong năm 2012 như Tổng công ty Hàng không Việt Nam, khối các Tổng công ty Xây lắp (gồm 7 Tổng công ty), Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam...
Trong năm 2013, Bộ Giao thông tiếp tục thực hiện thủ tục phá sản một số doanh nghiệp thuộc Vinashin, Vinalines, Công ty Xây dựng công trình 506 thuộc Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 5, Công ty Thương mại và Đầu tư Giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam. Bên cạnh đó, Công ty TNHH một thành viên Vận tải và Xây dựng cũng được triển khai các thủ tục bán hoặc phá sản trong năm nay.
Theo báo cáo, các doanh nghiệp thuộc Bộ hiện nợ công nhân lao động hơn gần 205 tỷ đồng tiền lương, trên 223 tỷ đồng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Số lao động chưa được giải quyết chế độ hưu trí, thai sản, ốm đau là 156 người, chưa giải quyết dứt điểm chế độ cho 670 lao động dôi dư... Các đơn vị thuộc khối xây dựng cơ bản, sản xuất công nghiệp do thiếu vốn và do các công trình đình hoãn, sản phẩm chậm tiêu thụ nên công nhân lao động những dự án này thiếu việc làm, phải nghỉ thường xuyên và luân phiên. Cụ thể, có 7.093 người thiếu việc làm, chiếm 7,94% tổng cán bộ nhân viên, trong đó thiếu việc thường xuyên là 2.946 người, chiếm 3,32%. |
Ngọc Tuyên