Chiều nay, thành viên Chính phủ cùng Bộ trưởng Giao thông Vận tải cùng lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy - Vinashin, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Vinalines... họp báo công bố đề án tái cơ cấu Vinashin. Trong đó, các vấn đề liên quan đến các khoản nợ, vốn tồn động, các dự án bàn giao cho phía PVN và Vinalines tiếp tục được mổ xẻ.
Theo công bố của Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin Nguyễn Ngọc Sự, tính đến hết tháng 6/2010, tổng số doanh nghiệp của tập đoàn là 289 công ty, gồm Công ty mẹ, 109 công ty con, công ty liên kết và 179 công ty "cháu". Tổng số lao động là 49.454 người. Tại thời điểm này, tổng tài sản của của Vinashin là 104.649 tỷ đồng. Tổng số nợ phải trả là 86.565 tỷ đồng, còn vốn chủ sở hữu là trên 8.000 tỷ đồng. Theo Vinashin, tổng nợ của tập đoàn là số tiền đã được đầu tư vào 289 công ty thành viên để hình thành các cơ sở sản xuất, nhà máy đóng tàu của tập đoàn.
Hiện tại, Vinashin đã thực hiện xong bước một của đề án tái cấu trúc là chuyển giao nguyên trạng một số đơn vị vận tải và khu công nghiệp cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Trong đó có 7 công ty con, 23 công ty cháu và 5 dự án, với 5.137 người lao động được chuyển giao cho phía PVN và Vinalines. Tổng tài sản bàn giao là 21.247 tỷ đồng, 24.112 tỷ đồng nợ phải trả và 919 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.
Như vậy, sau khi bàn giao, Vinashin còn 259 công ty, với tổng lao động 42.660 người. Tổng tài sản sau tái cấu trúc lần một là 95.672 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 76.241 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là 9.615 tỷ đồng. Vốn sở hữu này bao gồm cả khoản tiền 2.500 tỷ đồng cấp bổ sung trong tháng 10 vừa qua.
Theo đề án Vinashin được Thủ tướng duyệt, việc tái cấu trúc đợt hai tiếp tục được thực hiện theo hướng tinh giản bộ máy, ngoài việc giữ lại 43 công ty, với 29.660 lao động, tập đoàn đang tiếp tục tái cơ cấu 216 công ty khác trên cơ sở đánh giá thực trạng từng doanh nghiệp. Tổng tài sản còn lại sau khi tái cơ cấu là 68.243 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 53.054 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 9.615 tỷ đồng.
Việc tái cơ cấu này được thực hiện từ tháng 11/2010 và dự kiến kết thúc vào năm 2013. “Chúng tôi đang đề nghị được cấp bổ sung số vốn lên bằng con số theo giấy đăng ký kinh doanh là 14.655 tỷ đồng”, ông Sự cho biết.
Trả lời báo chí về các khoản nợ đến hạn phải trả, ông Sự cho biết theo kế hoạch một khoản nợ đối tác nước ngoài sẽ đến hạn phải trả vào ngày 20/12 tới. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, tập đoàn đã gặp gỡ và thương lượng với đối tác để được kéo dài thời gian trả trong vòng một năm, tức là đến hết tháng 12/2011.
“Ngày mai chúng tôi sẽ có thư gửi đối tác để xin gia hạn thời điểm trả nợ. Chúng tôi tin trong bối cảnh Vinashin đang tái cơ cấu họ sẽ thông cảm và chấp nhận mong muốn này”, ông Sự nói.
Theo ông Sự, Vinashin vay thì sẽ trả và không ai thay tập đoàn trả nợ được. Các khoản nợ này chủ yếu đang nằm tại các dự án, công trình dang dở nên Vinashin đang đẩy nhanh tiến độ hoàn tất dự án để có thể bán và trả nợ. Hiện Vinashin đang nợ trên 100 tỷ đồng lương công nhân nên tập đoàn đang đề xuất được vay số tiền này để giải quyết lương cho cán bộ, công nhân viên.
Đối với các khoản nợ khác, một mặt Vinashin đang nỗ lực thương lượng với đối tác, đồng thời tập đoàn cũng đang rà soát và thu xếp các khoản vốn để thực hiện trả.
Theo ông Sự, sở dĩ Vinashin ngập trong nợ nần là vì việc đóng tàu liên tục chậm tiến độ, lãi phát sinh cao. Do vậy, chỉ cần tiến độ được đẩy nhanh, quyết liệt sẽ đảm bảo có nguồn thu, phát sinh lãi để trả nợ. “Tôi tin rằng, Vinashin sẽ vẫn là quả đấm thép của nền kinh tế. Và chúng tôi cũng tin vấn đề nợ nần của tập đoàn sẽ sớm được giải quyết”, ông Sự cho biết thêm.
Hồng Anh