Các chương trình kích cầu bằng nhiều hình thức như giảm giá, tặng phụ kiện, ưu đãi lãi suất... giúp sức mua ôtô tăng nhẹ trong hai tháng qua. Tuy nhiên, kết thúc quý I, doanh số thị trường ôtô trong nước giảm 25% so với cùng kỳ 2022.
Trong số các hãng bán nhiều xe nhất thị trường, top 3 thương hiệu dẫn đầu không thay đổi, gồm Toyota, Hyundai, Kia. Bên dưới, Ford có sức tiêu thụ tăng đột biến, vươn lên vị trí thứ tư, vượt cả Mitsubishi.
Tính chung mảng xe thương mại và xe con, Hyundai là thương hiệu đứng đầu tại Việt Nam với hơn 14.700 xe tiêu thụ. Nhưng nếu chỉ xét xe con, Toyota vẫn là thế lực số một ở thị trường trong nước.
Sau 3 tháng, doanh số Vios (2.295 xe) giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái khi hãng và đại lý chủ động giảm nguồn cung, đẩy hàng tồn để chuẩn bị cho bản nâng cấp dự kiến ra mắt vào tháng 5. Vios giảm doanh số nhưng lượng bán tổng thể của Toyota được bù bằng nhiều mẫu xe ăn khách khác như Veloz (2.393 xe), đặc biệt Corolla Cross (3.417 xe).
Dải sản phẩm đa dạng nhất, các đối thủ cũng suy yếu trong xu hướng giảm chung của thị trường, ngôi đầu doanh số của Toyota vẫn chưa bị vượt qua. Sau quý I, hãng Nhật bán 13.566 xe con, nhỉnh hơn khoảng 800 xe so với đối thủ số một, Hyundai.
So với Toyota, dải sản phẩm của Hyundai khiêm tốn hơn nhiều nhưng doanh số dàn trải, không quá tập trung vào vài cái tên như đối thủ. Mẫu xe bán chạy nhất là Accent (3.943 xe), kế đến là Creta (2.647 xe), mẫu CUV cỡ B đang ăn khách nhất tại Việt Nam.
Kia cùng với Honda, là hai hãng có mức giảm doanh số lớn nhất sau quý I với lần lượt 49% và 53% so với cùng kỳ 2022. Nhóm sản phẩm sedan của Kia có xu hướng giảm, đặc biệt là mẫu xe chủ lực K3 (bán 879 xe) giảm đến 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng nhờ sức bán khá tốt của những mẫu xe gầm cao, MPV như Sonet, Seltos, Carnival, hãng xe Hàn vẫn giữ vị trí thứ ba quen thuộc, bán 8.600 xe nhưng chỉ hơn hãng xếp sau, Ford hơn 500 xe.
Ford là bất ngờ lớn nhất đầu 2023 khi bán hơn 8.100 chiếc, tăng đến 166% so với cùng kỳ 2022, cao nhất thị trường ôtô. Thực tế, quý đầu 2022 Ford bán chậm khi các sản phẩm đều giảm nguồn cung, khách hàng chờ ra mắt bản mới.
Từ nửa sau 2022 trở đi, lần lượt Ranger, Everest, Raptor bước sang thế hệ mới, Territory xuất hiện. Tất cả tạo nên cú hích doanh số cho hãng Mỹ. Lần đầu hãng Mỹ đứng vị trí thứ tư trong số các hãng bán chạy nhất.
Xếp ngay sau Ford với khoảng cách 1.000 xe là Mitsubishi. Hãng Nhật cũng giảm doanh số như hầu hết các hãng xe khác. Nhưng nhờ mẫu xe chủ lực Xpander duy trì sức bán tốt (4.444 xe), tiêu thụ của Mitsubishi chỉ giảm 21%, thuộc hàng thấp nhất thị trường.
Các hãng xếp sau lần lượt là Mazda (6.840 xe), Honda (4.368 xe). Mazda3, CX-5 là những mẫu xe bán chạy nhất của Mazda, trong khi Honda vẫn cậy nhờ vào sức hút của City.
VinFast hiện là hãng duy nhất bán thuần xe điện. Hãng giao 1.689 xe VF e34, VF 8, VF 9 sau 3 tháng đầu năm. Nếu so với cùng kỳ 2022 còn bán xe xăng, doanh số hãng giảm đến 75%.
Suzuki, Peugeot, Isuzu thuộc nhóm các hãng bán chậm nhất thị trường (chưa kể các hãng không công bố số liệu bán hàng). Doanh số của ba hãng từ 1.000 xe trở xuống sau quý I, tức trung bình mỗi tháng khoảng hơn 300 xe.
Phạm Trung