Moderna bước đầu ghi nhận vaccine hoạt động tốt ở người già
Ngày 26/8, Moderna thông báo kết quả thử nghiệm vaccine Covid-19 có đáp ứng miễn dịch ở người già, giống với người trẻ. Hãng hy vọng vaccine sẽ hiệu quả với người có nguy cơ mắc biến chứng nặng do nCoV.
Theo đó, các tình nguyện viên nhận liều 100 microgram ở giai đoạn 3, có đáp ứng miễn dịch như nhau ở 3 nhóm tuổi: trên 70, trong khoảng 56-70, và trong khoảng 18-55. Cổ phiếu của Moderna tăng điểm sau thông tin này.
Đến nay, hãng này đã tuyển hơn 13.000 người tham gia vào thử nghiệm giai đoạn cuối. Khoảng 18% số người tham gia là người da đen, Latin, Mỹ bản địa - nhóm người bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và thường không được đại diện trong các thử nghiệm lâm sàng.
Giới chức y tế đang quan tâm đến những ứng viên vaccine cho thấy hiệu quả ở người già, đối tượng có hệ thống miễn dịch thường không đáp ứng mạnh với vaccine.
Tiến sĩ Jacqueline Miller, Trưởng Bộ phận phát triển về bệnh truyền nhiễm của Moderna, nói với CDC của Mỹ rằng công ty có kế hoạch đăng trên trang web thông tin cập nhật hàng tuần về đối tượng thử nghiệm là người da đen và Mỹ Latin. Cấu trúc nhân khẩu học của thử nghiệm Moderna là một chủ đề thường xuyên trong các cuộc họp với các quan chức Mỹ, nhằm thúc đẩy sự phát triển của vaccine và phương pháp điều trị Covid-19.
Các công ty dược và quan chức y tế đang tìm cách phân phối vaccine Covid-19, một số vaccine phải được vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh. Vaccine của Moderna cần bảo quản ở -20 độ C khi vận chuyển, và lưu trữ đến sáu tháng. Có thể giữ ở tủ lạnh thường trong tối đa 10 ngày. Hãng cho biết vaccine sẽ được phân phối trong các lọ 10 liều không có chất bảo quản. Moderna cũng đang nghiên cứu để vaccine ổn định ở nhiệt độ cao hơn, ông Miller cho biết.
Moderna chưa tung vaccine Covid-19 ra thị trường, song đã nhận được gần một tỷ USD từ chính phủ Mỹ theo chương trình "Operation Warp Speed". Công ty đã ký một thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ USD với Chính phủ Mỹ, để cung cấp vaccine.
Pfizer tuyển hơn 50% người tham gia thử nghiệm
Tiến sĩ Nicholas Kitchin, nhà nghiên cứu vaccine Pfizer, thông báo tại cuộc họp thực hành tiêm chủng của CDC Mỹ, hôm 26/8. Tuần trước đã có hơn 11.000 người tình nguyện tham gia thử nghiệm, trong đó 19% là người da đen hoặc Latin.
Tiến sĩ Nancy Messonnier, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Tiêm chủng và Bệnh đường hô hấp của CDC, đặt câu hỏi về kế hoạch của Pfizer. "Sự phức tạp của khâu bảo quản và xử lý vaccine sẽ có tác động lớn đến khả năng vận chuyển vaccine một cách hiệu quả của chúng tôi", tiến sĩ Messonnier nói.
Công ty Pfizer cho biết vaccine phải được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp trong tối đa 6 tháng, hoặc trong các thùng vận chuyển được thiết kế đặc biệt trong tối đa 10 ngày. Sau khi lấy ra ngoài hộp đựng, vaccine có thể giữ một ngày ở 2- 8 độ C (36-46 độ F), gần giống nhiệt độ của tủ lạnh thông thường; hoặc 2 tiếng ở nhiệt độ phòng.
Pfizer nói với hội đồng CDC rằng vaccine đang được cải thiện nhằm ổn định ở nhiệt độ cao hơn. Cổ phiếu Pfizer giảm khoảng 1,5% bởi thông tin này.
J&J thử nghiệm vaccine ở Mỹ Latin, thêm Chile, Argentina và Peru
Công ty dược phẩm Mỹ Johnson & Johnson (J&J) đã bổ sung các nước Chile, Argentina và Peru vào kế hoạch thử nghiệm giai đoạn 3 cho vaccine Covid-19, công ty xác nhận ngày 26/8.
Nghiên cứu sẽ có sự tham gia của 60.000 tình nguyện viên từ Brazil, Chile, Colombia, Peru, Argentina và Mexico, được điều phối bởi đơn vị dược phẩm Janssen và các trung tâm địa phương. "Sự hợp tác đa phương này, thể hiện sự tiến bộ và cam kết của những nỗ lực tập thể nhằm tìm ra giải pháp cho đại dịch Covid-19", đại diện J&J tuyên bố.
Hãng này tiết lộ với Reuters rằng họ đang chờ phê duyệt theo quy định ở Chile, Argentina và Mexico.
Ông Miguel O’Ryan, Trường Y của Đại học Chile, nơi sẽ tổ chức thử nghiệm vaccine J&J, cho biết các thông số vẫn đang được tính toán nhưng nhóm của ông đã chuẩn bị tuyển 1.000 tình nguyện viên cho các thử nghiệm. Ông nói: "Ngay khi có vaccine, trong vòng ba tuần, chúng tôi có thể tiêm cho tình nguyện viên đầu tiên".
Thử nghiệm vaccine của J&J có khả năng diễn ra ở Chile. Quốc gia này cũng có hợp tác với Sinovac (Trung Quốc) và sẽ sớm khởi động tuyển người tham gia thử nghiệm. Các vaccine Covid-19 từ các hãng CanSino Biologics, AstraZeneca và Moderna, vẫn đang được đàm phán với chính phủ Chile.
Tại Peru, Carlos Castillo, cố vấn trưởng về vaccine của Bộ Y tế, nói rằng J&J đang chọn các trung tâm nghiên cứu và thử nghiệm sẽ được tiến hành vào giữa tháng 9.
Brazil, Chile, Peru, Argentina, Mexico và Colombia là 6 quốc gia Latin có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất. Các nhà phát triển vaccine tìm kiếm những khu vực có tỷ lệ lây và nhiễm bệnh cao, giúp kết quả thử nghiệm đáng tin cậy hơn.
Nguyễn Ngọc (Theo Reuters)