Tập đoàn Imabari được đặt tại thành phố cùng tên của Nhật Bản, có tuổi đời hơn một thế kỷ. Ever Given, một trong những tàu hàng lớn nhất thế giới với trọng tải 220.000 tấn và chiều dài 400 m, được tập đoàn này đóng ba năm trước và trao quyền sở hữu cho Shoei Kisen, công ty liên kết với Imabari.
Hôm 24/3, trong hành trình đi qua kênh đào Suez của Ai Cập, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới nối Biển Đỏ với Địa Trung Hải, để tới cảng Rotterdam của Hà Lan, Ever Given gặp một trận bão cát rồi đâm vào bờ và mắc cạn suốt gần một tuần, khiến 422 tàu bị dồn lại ở hai đầu kênh Suez cũng như dọc tuyến hàng hải.
Sau khi kênh đào được khai thông, công việc đầu tiên của tập đoàn Imabari là xác định các thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm. Theo Shoei Kisen, các công ty bảo hiểm Nhật Bản sẽ chi trả cho thiệt hại của con tàu. Một chương trình bảo hiểm bồi thường trong ngành mà họ đã tham gia còn giúp bảo vệ công ty khỏi những khiếu nại bồi thường khác, như từ các hãng vận tải bị ảnh hưởng vì vụ tắc nghẽn.
"Bảo hiểm dự kiến chi trả cho tất cả. Khoản duy nhất chúng tôi có lẽ phải trả thêm là phí bảo hiểm gia tăng vào năm tới", Ryu Murakoshi, người phụ trách tài chính của công ty Shoei Kisen, cho biết hôm 30/3.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn đối với họ là tiếp tục tồn tại giữa cuộc suy thoái của ngành công nghiệp đóng tàu, từng "bùng nổ" vào giữa những năm 2000 và chưa bao giờ hồi phục hoàn toàn sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều chứng kiến số đơn đặt hàng đóng tàu sụt giảm trong những năm gần đây.
Tháng 3/2020, Imabari, với vị thế tập đoàn đóng tàu hàng đầu tại Nhật Bản, phải chịu lỗ năm lần đầu tiên trong thời kỳ hiện đại.
"Covid-19 còn làm trầm trọng thêm tình trạng đình trệ kéo dài về nhu cầu mới trong ngành công nghiệp đóng tàu", chủ tịch tập đoàn Imabari Yukito Higaki cho biết trong thông điệp năm mới năm nay, thêm rằng một số hãng vận tải đang chờ xem điều gì sẽ xảy ra với các quy định về môi trường trước khi đặt hàng. "Mọi công ty đều đang chật vật để tồn tại", ông nói.
Ever Given là một minh chứng cho nỗ lực sinh tồn của Imabari, bằng cách đóng những con tàu lớn hơn. Các quan chức trong ngành giải thích rằng phương án này sẽ giúp tiết kiệm chi phí. Một con tàu chở được gấp đôi số container không nhất thiết phải có thủy thủ đoàn lớn gấp đôi, hoặc tăng gấp đôi nhiên liệu.
Hiromasa Goto, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Hàng hải Nhật Bản, cho biết bằng cách vận hành những siêu tàu lớn hơn, các hãng vận tải "có thể giảm chi phí cho mỗi container, cũng như có thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng".
Vài năm trước, Imabari đã chi hàng trăm triệu USD vào xưởng đóng tàu Marugame, cách trụ sở tập đoàn khoảng hai giờ lái xe, để xây dựng một bến tàu mới với ba cần cẩu, có thể nâng khối lượng tương đương 1.000 chiếc ô tô cùng lúc. Tàu Ever Given được hoàn thành tại xưởng đóng tàu này vào năm 2018.
Kenji Watanabe, giám đốc điều hành Imabari, cho biết cuộc chạy đua về kích cỡ tàu gần như đã đạt đến cực hạn, trừ khi các bến cảng và kênh đào khắp thế giới được làm sâu hơn và lắp đặt các cần trục cao hơn. Bên cạnh đó, ông cho hay các hãng vận tải có thể mất rất nhiều thời gian để tập kết hàng hóa.
"Với một con tàu có khả năng chở 100.000 container, chúng ta sẽ cần 6 tháng để tập hợp số container đó. Điều này không có ích lợi gì về mặt thương mại", ông giải thích.
Trụ sở của Imabari nằm trên một bán đảo có rất nhiều công xưởng và xưởng đóng tàu. Tập đoàn chưa được niêm yết, nằm dưới sự điều hành của gia đình Higaki và được thành lập từ năm 1901. Các thương vụ mua bán và sáp nhập đã giúp Imabari duy trì được quy mô dù ngành công nghiệp Nhật Bản bị thu hẹp, với doanh thu hàng năm khoảng 3,5 tỷ USD.
Hôm 1/1, Imabari bắt đầu liên kết với công ty đóng tàu Japan Marine United để cùng nhau thiết kế và bán tàu. Những thương vụ tương tự cũng diễn ra tại Hàn Quốc và Trung Quốc. Nhờ mang lại hàng trăm nghìn việc làm và thúc đẩy niềm tự hào dân tộc, ngành công nghiệp đóng tàu từ lâu đã được chính phủ các nước này ủng hộ.
Chính phủ Nhật tháng trước đệ trình lên quốc hội dự luật nhằm giúp các công ty đóng tàu trong nước được giảm thuế và trợ cấp nghiên cứu, một quan chức Bộ Giao thông nước này cho hay. Chủ tịch Imabari Higaki năm ngoái cũng kêu gọi chính phủ hỗ trợ, chỉ ra sức cạnh tranh của các đối thủ Hàn Quốc.
"Nếu chúng ta tiếp tục như thế này, ngành công nghiệp đóng tàu Nhật Bản sẽ không thể trụ vững được nữa", ông nói.
Ánh Ngọc (Theo WSJ)