Kênh đào Suez, kênh giao thông nhân tạo dài 193 km, là điểm nóng căng thẳng chính trị tiềm tàng kể từ khi nó mở cửa năm 1869. Giờ đây, tuyến vận tải quốc tế quan trọng này đang được chú ý vì một lý do khác: siêu tàu hàng dài 400 m đã nằm chắn ngang kênh trong nhiều ngày, khiến hơn 100 tàu ùn tắc, gây ảnh hưởng đến ngành thương mại hàng hải thế giới.
Kênh đào nằm ở lãnh thổ Ai Cập, nối thành phố Port Said trên Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương qua thành phố Suez ở miền nam Ai Cập trên Biển Đỏ. Tuyến đường cung cấp lối tắt giữa châu Âu và châu Á, giúp tàu cắt ngắn hành trình vì không phải đi vòng qua châu Phi.
Con kênh, ban đầu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Pháp, được hình thành khi Ai Cập nằm dưới sự kiểm soát của Đế chế Ottoman vào giữa thế kỷ 19. Công tác thi công bắt đầu ở Port Said vào đầu năm 1859, quá trình nạo vét kéo dài 10 năm với 1,5 triệu lao động. Theo Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez, trong quá trình thi công, nhiều người đã phải làm việc cực khổ và được trả công thấp. Nhiều người chết vì bệnh tả và các bệnh khác.
Các động thái chính trị ở Ai Cập chống lại thực dân Anh và Pháp đã làm chậm tiến độ xây dựng kênh đào, chi phí cuối cùng cao gấp đôi so với dự kiến ban đầu là 50 triệu USD.
Các thế lực Anh kiểm soát kênh đào trong hai cuộc thế chiến đã rút khỏi đây vào năm 1956 sau nhiều năm đàm phán với Ai Cập, trao lại quyền hành cho chính phủ Ai Cập do Tổng thống Gamal Abdel Nasser lãnh đạo.
Nhưng khủng hoảng nảy sinh vào năm 1956, khi Tổng thống Ai Cập quốc hữu hóa kênh đào sau khi người Anh rời đi. Ông đã thực hiện các bước đi mà Israel và đồng minh phương Tây coi là mối đe dọa an ninh, dẫn đến can thiệp quân sự của lực lượng Israel, Anh và Pháp.
Cuộc khủng hoảng khiến kênh Suez đóng cửa trong một thời gian ngắn và làm dấy lên nguy cơ Liên Xô và Mỹ nhập cuộc. Khủng hoảng kết thúc vào đầu năm 1957 theo một thỏa thuận do Liên Hợp Quốc giám sát và họ đã cử lực lượng gìn giữ hòa bình đầu tiên tới khu vực. Kết quả được coi là một thắng lợi cho Ai Cập.
Ai Cập đã đóng cửa kênh đào trong gần một thập kỷ sau chiến tranh Arab-Israel năm 1967, khi tuyến đường thủy về cơ bản là tiền tuyến giữa lực lượng quân sự Israel và Ai Cập. 14 tàu chở hàng, được gọi là "Hạm đội Vàng", đã bị mắc kẹt ở kênh đào cho đến khi nó được mở lại vào năm 1975 bởi người kế nhiệm của ông Nasser, Anwar el-Sadat.
Kênh đào sau đó cũng vài lần đóng cửa do tàu mắc cạn. Lần đáng chú ý nhất cho đến tuần này là ba ngày ngừng hoạt động vào năm 2004, khi một tàu chở dầu của Nga mắc cạn.
Tàu Ever Given do hãng Evergreen Shipping điều hành là một trong những tàu container lớn nhất thế giới, có chiều dài bằng tòa Empire State. Mặc dù kênh đào Suez ban đầu được thiết kế để tiếp nhận các tàu nhỏ hơn nhiều, nó đã được mở rộng và nạo vét thêm nhiều lần, gần đây nhất là cách đây 6 năm với chi phí hơn 8 tỷ USD.
Ever Given sáng 24/3 di chuyển từ Biển Đỏ qua kênh đào Suez tới Địa Trung Hải thì gặp sự cố. Con tàu treo cờ Panama này đâm chéo vào bờ kênh đào và mắc cạn trên bờ cát. Con tàu gần như xoay ngang, bịt kín tuyến hàng hải.
Đội cứu hộ đã thử một số biện pháp như kéo nó bằng tàu lai, nạo vét bên dưới thân tàu và sử dụng máy xúc lật để đào ở bờ phía đông của kênh đào, nơi mũi tàu bị kẹt. Nhưng kích thước và trọng lượng hơn 200.000 tấn của con tàu đã khiến đội cứu hộ "lực bất tòng tâm".
Một số chuyên gia cứu hộ cho rằng thiên nhiên có thể là "vị cứu tinh". Một đợt triều cường vào ngày 28/3 hoặc 29/3 có thể giúp giải thoát con tàu.
Tác động của vụ mắc kẹt sẽ phụ thuộc vào việc kênh đào, nơi xử lý khoảng 10% lưu lượng thương mại hàng hải toàn cầu, phải đóng cửa bao lâu. 100 tàu đang chờ để đi qua kênh đào, có thể mất hơn một tuần để giải quyết ùn tắc.
Đóng cửa kéo dài có thể gây tốn kém nặng cho các chủ tàu. Một số có thể quyết định cắt giảm tổn thất và đổi hải trình, cho tàu đi vòng qua châu Phi. Chủ sở hữu Ever Given phải đối mặt với hàng triệu USD tiền bồi thường bảo hiểm và chi phí dịch vụ cứu hộ khẩn cấp. Chính phủ Ai Cập, bên nhận được 5,61 tỷ USD từ thu phí qua kênh năm 2020, cũng rất nóng lòng mở lại tuyến đường thủy.
Phương Vũ (Theo NYTimes)