Được mở cửa vào năm 1869, kênh Suez nối giữa Biển Đỏ và Địa Trung Hải là niềm tự hào quốc gia của Ai Cập. Lối đi hẹp này giúp rút ngắn hàng nghìn dặm của hầu hết chuyến hải trình giữa hai phía đông tây. Tuy nhiên, kênh đào này còn là tâm điểm của các xung đột quốc tế.
Sự cố đầu tiên xảy ra vào năm 1956. Tổng thống Ai Cập khi đó là Gamal Abdel Nasser đã quốc hữu hóa kênh Suez, quyết định được người dân Ai Cập hưởng ứng như biểu tượng của việc tách rời khỏi chủ nghĩa đế quốc châu Âu. Tuy nhiên, động thái này đã thúc đẩy Anh, Pháp và Israel can thiệp quân sự, chiếm đóng kênh đào.
Giữa lúc cuộc giao tranh diễn ra, những con tàu đắm khiến kênh Suez bị bịt kín suốt nhiều tháng. Mỹ và Liên Xô, hai nước công khai phản đối vụ chiếm đóng, cuối cùng đã buộc được ba quốc gia trên rút quân. Ai Cập tái mở cửa kênh đào vào tháng 3/1957.
Một thập kỷ sau, khi chiến tranh Trung Đông nổ ra vào năm 1967, con đường lưu thông qua Suez một lần nữa bị gián đoạn do Ai Cập ban lệnh đóng cửa kênh đào, trong bối cảnh lực lượng Israel tấn công vào khu vực này và cố thủ ở bán đảo Sinai. Lần này, kênh đào bị đóng cửa tới 8 năm.
Với vô số thủy lôi, vỏ bom và tàu chìm, kênh đào Suez trở thành một chiến hào kiên cố trong chiến tranh. Sau cuộc đàm phán hòa bình với phía Israel, Anwar Sadat, người kế nhiệm của Nasser, đã cho phép tái mở cửa tuyến đường thủy vào năm 1975.
Trong khoảng thời gian hoạt động vận tải trên kênh Suez bị đóng băng, hơn 10 tàu chở hàng đã bị mắc kẹt trên hồ Great Bitter nằm giữa con kênh. Theo nghiên cứu của Liên Hợp Quốc, việc kênh Suez bị đóng cửa khiến thương mại thế giới khi đó thiệt hại 1,7 tỷ USD, đồng thời làm tăng chi phí vận chuyển. Ai Cập cũng mất 250 triệu USD tổng doanh thu phí giao thông hàng năm.
Do không thể đi qua kênh Suez, các tàu đến châu Âu phải đi vòng qua mũi phía nam của châu Phi, từ đó thúc đẩy các hãng vận tải tìm cách tối đa hóa lợi ích kinh tế bằng cách phát triển những tàu hàng ngày càng lớn, như "siêu tàu hàng" Ever Given bị mắc kẹt giữa kênh Suez từ sáng 24/3.
Kênh đào Suez còn đóng vai trò phân chia giữa đất liền Ai Cập và bán đảo Sinai, nơi quân đội nước này nhiều năm qua phải chiến đấu chống lại cuộc nổi dậy của nhánh tại địa phương thuộc nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Tình trạng bạo lực có nguy cơ leo thang và đe dọa thương mại toàn cầu.
Vào mùa hè năm 2013, một nhóm phiến quân trên bán đảo Sinai có tên Lữ đoàn Furqan tấn công hai con tàu trên kênh Suez bằng súng phóng lựu, gây thiệt hại nhẹ. Tuy nhiên, dù từng nhiều lần tuyên bố sẽ nhắm tới tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới này, các phiến quân Ai Cập đến nay vẫn chưa gây ra tác động nào với hoạt động hàng hải tại đây.
Nhiều vụ tàu mắc cạn tại kênh Suez khác xuất phát từ vấn đề thời tiết hoặc kỹ thuật. Tai nạn được báo cáo đầu tiên xảy ra vào năm 1937, khi gió mạnh và mưa lớn khiến tàu chở khách Viceroy of India đâm vào bờ. Hệ quả là giao thông hàng hải bị đình trệ trong một ngày.
Trong thế kỷ qua, một số tàu chở hàng cũng từng gặp sự cố, hoặc làm gián đoạn việc lưu thông trên kênh Suez trong thời gian tối đa ba ngày, bao gồm một tàu dầu của Hy Lạp vào năm 1954, một tàu dầu của Nga hồi năm 2004 và một tàu hàng gặp trục trặc năm 2018, dẫn đến nhiều con tàu va chạm.
Những trường hợp trên đều được giải quyết nhanh chóng, cũng chưa từng xuất hiện con tàu nào gây cản trở ở mức độ như Ever Given, bởi kích thước khổng lồ của nó. Đây là một trong những con tàu lớn nhất thế giới, với trọng tải gần 220.000 tấn, chiều dài 400 m, thuộc sở hữu của công ty Nhật Shoei Kisen Kaisha, do công ty Đài Loan Evergreen Marine vận hành.
Hôm 24/3, khi đang trên hành trình chở hàng đến Rotterdam, Hà Lan, Ever Given gặp một trận bão cát, khiến tầm nhìn bị hạn chế giữa gió mạnh và sập nguồn điện trên tàu. Hệ quả là con tàu khổng lồ đã chắn ngang kênh Suez, khiến giao thông hàng hải ùn tắc, giá dầu tăng.
Ít nhất 369 tàu chở theo số lượng hàng hóa trị giá hàng tỷ USD đã bị mắc kẹt tại các lối vào kênh đào Suez do sự cố. Nghiên cứu từ công ty bảo hiểm Đức Allianz cho biết mỗi ngày kênh đào Suez bị chặn có thể gây thiệt hại thương mại toàn cầu khoảng 6-10 tỷ USD.
Lực lượng tham gia giải cứu Ever Given đã tăng cường đào bới, nạo vét quanh tàu hàng khổng lồ này. Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) cho biết họ đã đào bới để mở rộng bờ kênh và nạo vét tới độ sâu 18m gần mũi tàu. Quá trình giải cứu tàu Ever Given từng gặp khó khăn vì lớp đá dưới mũi tàu.
Giới chức Ai Cập hôm nay thông báo Ever Given đã được giải cứu thành công và "hoàn toàn nổi", sau nỗ lực đưa tàu chuyển hướng được 80% trước đó.
"Hôm nay, người Ai Cập đã thành công trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng con tàu mắc cạn ở kênh đào Suez, bất chấp sự phức tạp lớn xung quanh quá trình này", Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đăng Twitter.
Ever Given đã được kéo khỏi nơi mắc kẹt và di chuyển đến hồ Great Bitter để kiểm tra kỹ thuật, cho phép khôi phục hoạt động trên kênh đào Suez.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)