Phong trào Hamas ở Palestine hôm 13/5 công bố video các tay súng chuẩn bị và phóng một máy bay không người lái (UAV) tự sát Shehab, nhưng không cho biết thời điểm quay video.
Bộ Quốc phòng Israel sau đó cũng đăng video dường như được trích xuất từ hệ thống cảm biến hồng ngoại của tiêm kích F-16, cho thấy một chiếc Shebah bị tên lửa bắn hạ khi xâm nhập không phận nước này.
Lữ đoàn Al Qassam, cánh vũ trang của Hamas, cho biết Shehab là sản phẩm do tổ chức này tự nghiên cứu và chế tạo. Trong khi đó, giới chuyên gia quân sự cho rằng đây là một phiên bản được phát triển từ dòng Qasef của phiến quân Houthi và Ababil-T do Iran sản xuất.
Quân đội Israel cũng tuyên bố đã bắn hạ nhiều UAV xuất phát từ Dải Gaza, nhưng không rõ có chiếc nào thuộc dòng Shehab hay không.
Pháo phản lực không điều khiển (rocket) vẫn là vũ khí chủ lực của Hamas khi đối đầu với quân đội Israel. Lữ đoàn Al Qassam và nhiều nhóm Hồi giáo đã phóng khoảng 1.800 quả đạn về phía Israel trong tuần này, nhưng hầu hết đều bị hệ thống Vòm sắt của Israel đánh chặn.
Để đáp trả, không quân và pháo binh Israel đã tấn công nhiều mục tiêu tại Dải Gaza, trong đó có nhà riêng của Samer Abu-Daka, người đứng đầu đơn vị UAV của Hamas.
Việc Hamas bổ sung UAV tự sát vào các đòn tấn công có thể gây nhiều khó khăn cho lưới phòng không Israel, vốn đã vận hành liên tục để đánh chặn rocket trong những ngày qua. Mỗi UAV tự sát có giá thành rất rẻ, chỉ vài trăm đến vài nghìn USD, so với 40.000-100.000 USD/quả của tên lửa Tamir trong hệ thống Vòm sắt hoặc hàng trăm nghìn USD của mỗi tên lửa đối không trang bị trên tiêm kích Israel.
"Những điều này cho thấy mối đe dọa thực sự từ các hệ thống UAV rẻ tiền, ngay cả với một quốc gia sở hữu lực lượng quân sự hùng hậu và tiên tiến như Israel. Lực lượng Hamas hoạt động trong khu vực Dải Gaza bị kiềm tỏa suốt nhiều năm nhưng vẫn có thể triển khai UAV tấn công Israel, cho thấy loại vũ khí này rất dễ phát triển và sử dụng, trong khi phương thức đối phó chúng lại quá đắt đỏ", chuyên gia quân sự Joseph Trevithick nhận xét.
Đụng độ giữa Israel và dân quân Hamas những ngày qua được đánh giá là dữ dội nhất kể từ cuộc chiến năm 2014 tại Dải Gaza. Căng thẳng leo thang sau khi Israel hạn chế tiếp cận khu vực Thành cổ Jerusalem trong tháng Ramadan, đe dọa trục xuất nhiều gia đình Palestine sinh sống nhiều năm ở phía đông Jerusalem, nhằm lấy chỗ cho người Do Thái định cư.
Đòn tấn công "ăn miếng trả miếng" giữa hai bên đến nay đã khiến ít nhất 90 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là dân thường. Quân đội Israel ngày 14/5 thông báo chiến đấu cơ và bộ binh đang tiến hành cuộc tấn công ở Dải Gaza, nhưng sau đó làm rõ rằng binh sĩ nước này chỉ khai hỏa từ trên lãnh thổ vào Dải Gaza mà không tiến quân qua đường ranh giới.
Vũ Anh (Theo Drive)