Bộ Quốc phòng Israel cho biết phong trào Hamas ở Palestine đã phóng khoảng 1.500 quả pháo phản lực (rocket) từ ngày 10/5 đến 13/5, trong đó 1.050 quả bay vào lãnh thổ Israel và khoảng 350 quả gặp sự cố khi phóng. 7 người Israel đã thiệt mạng trong các đợt tập kích, trong đó có một trẻ em 6 tuổi.
Hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm sắt) đã đánh chặn hàng trăm quả rocket, nhưng số lượng đầu đạn khổng lồ được sử dụng trong đòn tập kích đã phơi bày nhiều hạn chế của lá chắn này và bị Hamas tận dụng triệt để. Nó cũng có nguy cơ thúc đẩy các đối thủ của Israel mở rộng kho vũ khí để dễ dàng xuyên thủng hệ thống Vòm sắt, theo giới chuyên gia.
Một tổ hợp Vòm sắt hoàn chỉnh gồm 3-4 bệ phóng, mỗi bệ trang bị 20 tên lửa đánh chặn Tamir, cùng với đó là radar cảnh giới và dẫn bắn, hệ thống điều khiển và quản lý tác chiến. Phần lớn hoạt động của Vòm sắt được tự động hóa để rút ngắn thời gian phản ứng và giảm yêu cầu về nhân lực vận hành.
Tên lửa đánh chặn Tamir có khả năng cơ động cao, được trang bị đầu dò radar chủ động và đường truyền dữ liệu hai chiều để nhận thêm thông tin mục tiêu sau khi rời bệ phóng, tăng độ chính xác khi đánh chặn. Ngòi nổ cận đích trên quả đạn sẽ kích hoạt đầu đạn nổ mảnh định hướng khi ở gần mục tiêu, phá hủy quả rocket mà không cần đánh trúng đích.
Bộ Quốc phòng Israel cho biết Vòm sắt đã đánh chặn thành công 85% mục tiêu kể từ khi triển khai chiến đấu năm 2011. Hồi đầu năm ngoái, nhà sản xuất Rafael tuyên bố phiên bản Vòm sắt cải tiến chưa bắn trượt phát nào trong quá trình thử nghiệm.
Dù vậy, quân đội Israel cũng thừa nhận không đủ khả năng đánh chặn mọi quả rocket phóng từ Dải Gaza vào Israel.
Phong trào Hamas hồi năm 2019 từng tuyên bố tìm ra cách vô hiệu hóa Vòm sắt bằng chiến thuật phóng lượng lớn rocket vào một mục tiêu duy nhất. Tướng Yaakov Amidror, cựu cục trưởng Cục Nghiên cứu Tình báo Quân đội Israel, khi đó thừa nhận lá chắn này đã thất bại trước loạt "mưa rocket" của Hamas khi chỉ hạ được 240 trong tổng số 690 quả đạn.
Chiến thuật này dường như đã được Hamas áp dụng trong đợt tập kích những ngày qua. Truyền thông Israel hôm 12/5 cho hay lá chắn Vòm sắt đã gặp trục trặc khi đối phó với một loạt rocket số lượng lớn phóng về phía thành phố Ashkelon.
Hãng tin Times of Israel cho biết nhiều khu dân cư ở miền nam nước này đã phát còi báo động, sau khi lượng lớn rocket được phóng tới khu vực nhằm gây quá tải hệ thống phòng không.
Một số hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy rocket được bắn trực xạ hoặc với góc thấp từ Dải Gaza vào mục tiêu của Israel, thay vì theo quỹ đạo cầu vồng thông thường. Điều này có thể hạn chế khả năng tác chiến của Vòm sắt, khi thời gian phản ứng quá thấp và chúng cũng không thể bám bắt mục tiêu bị địa hình che khuất.
Ngoài mối đe dọa từ chiến thuật của dân quân Palestine, các hệ thống Vòm sắt cũng gặp giới hạn về năng lực hậu cần khi phải chống chịu những đợt tập kích quy mô lớn trong thời gian ngắn. Hiện chưa rõ Israel triển khai bao nhiêu khẩu đội Vòm sắt, nhưng nước này từng tiết lộ kế hoạch biên chế tổng cộng 15 hệ thống hoàn chỉnh.
Một khẩu đội Vòm sắt đầy đủ chỉ có khoảng 60-80 quả đạn Tamir sẵn sàng chiến đấu, khiến tổng số đạn đánh chặn của Israel không quá 1.200 quả. Các khẩu đội được phân bố dàn trải để có thể trợ chiến cho nhau, nhưng điều này cũng khiến chúng không thể cùng đối phó một cuộc tấn công áp đảo từ hướng cố định.
Quân đội Israel thường dùng hai quả đạn Tamir cho một mục tiêu để tăng tỷ lệ đánh chặn thành công. Chiến thuật này phù hợp để đối phó các cuộc tập kích lẻ tẻ với lượng ít rocket, nhưng không thể áp dụng với những đợt tấn công có số mục tiêu vượt xa đạn đánh chặn.
Tên lửa Tamir được đặt trong ống bảo quản kiêm ống phóng, rút ngắn đáng kể thời gian nạp đạn giữa các đợt chiến đấu. Tuy nhiên, quy trình này không thể diễn ra trong chớp nhoáng, đặc biệt là khi khẩu đội trở thành mục tiêu của đòn tấn công rocket.
"Không khó để thấy những cuộc tấn công cường độ cao nhằm vào một khu vực có thể làm quá tải các trận địa Vòm sắt. Dân quân Palestine hiểu rõ điều này", chuyên gia quân sự Joseph Trevithick nhận xét.
Chênh lệch chi phí, đặc biệt là khi những cuộc tấn công quy mô lớn vẫn tiếp tục, có thể khiến nguồn cung tên lửa nhanh chóng suy giảm. Israel không tiết lộ chi phí chính xác của mỗi quả đạn, nhưng thông tin trước đây cho thấy tên lửa Tamir có giá 40.000-100.000 USD/quả.
Mức giá này thấp hơn nhiều so với các tên lửa phòng không hiện đại, nhưng vẫn đặt ra gánh nặng không nhỏ về chi phí vận hành. Israel phải tốn ít nhất 8-20 triệu USD cho 200 lần đánh chặn thành công rocket của Hamas trong vòng một ngày, con số này có thể nhanh chóng tăng vọt lên 40-100 triệu USD nếu xung đột tiếp diễn.
Trong cuộc chiến Israel - Palestine năm 2014, Tel Aviv đã nhận viện trợ khẩn cấp 225 triệu USD từ Washington để tích trữ tên lửa Tamir. Cuộc chiến kéo dài khoảng 7 tuần, trong đó dân quân Palestine phóng không dưới 4.500 quả rocket và đạn cối vào Israel.
Chưa rõ mức giá chính xác của những quả rocket được Hamas sử dụng để tấn công Israel, nhưng chúng đều là đạn không dẫn đường, có chi phí sản xuất rẻ hơn nhiều so với tên lửa Tamir. Các nguồn tin trước đây cho biết dòng rocket Qassam đời cũ của Hamas chỉ có giá 500-600 USD/quả.
"Cần nhớ rằng không hệ thống phòng thủ nào là hoàn hảo, từ các lưới phòng không chống rocket không dẫn đường tới vũ khí chống tên lửa đạn đạo. Chúng mang lại khả năng phòng vệ lãnh thổ, nhưng cũng thúc đẩy đối phương triển khai nhiều vũ khí hiện đại hơn để đối phó. Điều này đang diễn ra trong xung đột Israel - Hamas", Trevithick nhận xét.
Vũ Anh (Theo Drive)