Sau khi Tổng thống Jovenel Moise bị một nhóm sát thủ bắn chết trong tư dinh hôm 7/7, người kế nhiệm ông lẽ ra là Chánh án Tòa án Tối cao, theo quy định trong hiến pháp Haiti.
Tuy nhiên, Chánh án Rene Sylvestre vừa qua đời tuần trước vì mắc Covid-19. Thành viên lớn tuổi nhất của Tòa án Tối cao Haiti vào đầu năm nay đã chuyển sang phe đối lập.
Thủ tướng tạm quyền Claude Joseph sau đó thay thế Moise điều hành chính phủ. Ông họp khẩn với nội các và tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Quân đội tạm thời nắm quyền kiểm soát an ninh và xã hội. Một số quyền tự do ngôn luận hay hội họp bị hạn chế cho đến khi tìm ra thủ phạm vụ tấn công.
Jean Wilner Morin, Chủ tịch Hiệp hội Thẩm phán quốc gia Haiti, cho biết Thủ tướng tạm quyền Joseph có thể lấp khoảng trống lãnh đạo tại đảo quốc, nhưng ông vẫn cần quốc hội Haiti phê duyệt. Thế nhưng, quốc hội lại trở thành chướng ngại vật cho tương lai nắm quyền danh chính ngôn thuận của Joseph, không phải vì họ chống đối ông, mà do cơ quan lập pháp này đã bị giải tán.
Từ đầu năm ngoái, Moise đã điều hành nhà nước bằng sắc lệnh khi nước này không có cơ quan lập pháp. Chính phủ của Tổng thống Moise không tổ chức tổng tuyển cử toàn quốc vào tháng 10/2019 như kế hoạch, lấy lý do về bất ổn và khó khăn trong khâu chuẩn bị.
Quốc hội Haiti buộc phải giải tán khi bước sang năm mới, khi các nghị sĩ kết thúc nhiệm kỳ mà không có người tiếp quản. Quyền lực chính trị của quốc hội Haiti gần như không còn hiện hữu. Chỉ còn đúng 10 thượng nghị sĩ còn còn làm việc do chưa hết nhiệm kỳ dân cử.
Con đường đến ghế tổng thống của Joseph thêm phức tạp khi ông chỉ được Moise bổ nhiệm làm quyền Thủ tướng trong một giai đoạn ngắn, sau khi thủ tướng Joseph Jouthe tuyên bố từ chức hồi tháng 4.
Tổng thống Moise khi đó chọn một đồng minh khác là Ariel Henry, một bác sĩ giải phẫu thần kinh, làm người kế nhiệm Joseph. Quyết định này được đưa ra chỉ một ngày trước khi Moise bị ám sát và Henry chưa kịp tuyên thệ nhậm chức.
Về lý thuyết, nếu vụ ám sát diễn ra muộn hơn, Henry mới là người nắm quyền điều hành chính phủ giữa cuộc khủng hoảng chính trị này.
"Ông Henry đúng là người được chỉ định, nhưng lại chưa nhậm chức. Tôi mới là Thủ tướng đương nhiệm. Điều này đã được quy định trong luật pháp và hiến pháp", Thủ tướng tạm quyền Joseph trả lời truyền thông Mỹ. Ông nhấn mạnh đã trao đổi với Henry ba lần và cả hai đồng ý để Joseph tạm thời nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Tuy nhiên, trong một trao đổi riêng với báo chí, Henry lại cho rằng đã có sự nhầm lẫn trong trao đổi giữa các bên và khẳng định ông chính là thủ tướng đương nhiệm. Mâu thuẫn trong phát ngôn giữa hai người tiềm ẩn nguy cơ xung đột lợi ích và đào sâu chia rẽ chính trị ở Haiti.
"Chúng ta đang mắc kẹt trong sự mơ hồ toàn diện. Chúng ta có đến hai thủ tướng và không thể phân biệt người nào có tính chính danh cao hơn người còn lại", Jacky Lumarque, chuyên gia tại Đại học Quisqueya của Haiti, đánh giá.
Một giải pháp khác đang được một số thành viên phe đối lập cân nhắc. Ứng viên mà họ lựa chọn chính là Joseph Lamber, người đứng đầu nhóm 10 thượng nghị sĩ vẫn chưa hết nhiệm kỳ tại quốc hội Haiti.
Mớ bòng bong kế nhiệm hiện nay được coi là hệ quả từ chính sách điều hành của Tổng thống Moise, người đã tạo ra cuộc khủng hoảng hiến pháp với một quốc hội bị tước quyền, nội các liên tục thay lãnh đạo và ứng phó yếu kém trước đại dịch Covid-19. Giới chuyên gia lo ngại tình trạng này kéo dài sẽ cuốn Haiti trở vào vòng xoáy bạo lực khi các bên tranh giành lợi ích và quyền lực.
Bằng lệnh thiết quân luật của Thủ tướng tạm quyền, quân đội và cảnh sát Haiti có quyền khám xét nhà dân, kiểm soát đi lại và tiến hành những biện pháp an ninh cần thiết trong vòng 15 ngày. Sắc lệnh của Joseph còn cấm người dân tụ tập kích động rối loạn. Dù vậy, tính chính danh của sắc lệnh này đang bị hoài nghi.
Haiti có hai hiến pháp và cả hai văn kiện này chưa từng đề cập kịch bản thủ tướng tạm quyền tiếp quản quyền lãnh đạo đất nước. Hiến pháp đầu tiên vào năm 1987 quy định người kế nhiệm tổng thống khi biến cố xảy ra là thẩm phán có thâm niên cao nhất tại Tòa án Tối cao.
Hiến pháp chỉnh sửa năm 2012 quy định quốc hội là cơ quan bầu tổng thống lâm thời nếu Haiti thiếu lãnh đạo trong năm cuối nhiệm kỳ tổng thống. Hiến pháp sửa đổi này chỉ được viết bằng tiếng Pháp, nhưng thiếu ngôn ngữ phổ thông thứ hai tại đảo quốc là tiếng Creole. Điều này tạo ra tình cảnh khác thường, khi một quốc gia có hai hiến pháp.
Theo Alex Dupuy, nhà xã hội học gốc Haiti đang giảng dạy tại Đại học Wesleyan ở Connecticut, trong kịch bản khả thi nhất, Thủ tướng tạm quyền Joseph cần ngồi lại với đại diện các đảng đối lập, thống nhất phương án tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới nhằm giải quyết bế tắc chính trị càng sớm càng tốt.
"Tại Haiti, chúng ta không thể xem thường bất kỳ điều gì. Diễn biến sắp đến sẽ tùy vào cân bằng quyền lực giữa các thế lực hiện nay", Dupuy chia sẻ.
Trung Nhân (Theo Miami Herald/AP/NYTimes)