Tổng thống Haiti Jovenel Moise bị ám sát ngày 7/7 trong một cuộc đột kích táo bạo vào tư dinh của ông ở ngoại ô thủ đô Port-au-Prince. Nhóm vũ trang được cho là "lính đánh thuê" đã nã nhiều loạt đạn, đoạt mạng Tổng thống Moise và khiến Đệ nhất phu nhân Haiti trọng thương.
Jovenel Moise, 53 tuổi, là một tổng thống xuất thân từ doanh nhân và đã gây nhiều tranh cãi ngay từ đầu sự nghiệp chính trị. Ông dấn thân vào chính trường bằng cách sử dụng các mối quan hệ chính trị bắt nguồn từ thế giới kinh doanh.
Moise sinh ra ở Trou-du-Nord, trong một gia đình có bố là thương nhân và mẹ là thợ may. Ông tốt nghiệp Đại học Quisqueya với bằng cử nhân khoa học chính trị, kết hôn với người bạn cùng lớp Martine Moise, rồi rời thủ đô Port-au-Prince để tới vùng nông thôn làm việc.
Ban đầu, ông đầu tư vào các doanh nghiệp liên quan đến ô tô, chủ yếu ở miền bắc Haiti, nơi ông sinh ra. Sau đó, ông tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, mảng đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Haiti.
Năm 2014, công ty tài chính nông nghiệp Agritrans của Moise mở đồn điền trồng chuối hữu cơ, một phần bằng nguồn vốn vay nhà nước, và tạo công ăn việc làm cho 3.000 nông dân. Tuy nhiên, dự án này cũng khiến hàng trăm nông dân phải di dời trong khi chỉ nhận được khoản tiền đền bù tối thiểu.
Nhưng việc kinh doanh chuối đã khiến Moise được chú ý với biệt danh "Người đàn ông Chuối". Với tư cách nhà xuất khẩu chuối nổi tiếng, Moise đã gặp Tổng thống Haiti lúc bấy giờ là Michel Martelly vào năm 2014.
Martelly sau đó lựa chọn Moise trở thành người kế nhiệm trong cuộc bầu cử của Haiti, dù doanh nhân chuối này không có chút kinh nghiệm chính trị nào và gần như không có tên tuổi trên chính trường. Nhiều đối thủ chính trị cáo buộc Moise là một "con rối" của Martelly, nhưng ông này kiên quyết bác bỏ.
Tín nhiệm của Martelly rất thấp vào cuối nhiệm kỳ, nhưng các lãnh đạo đảng cho rằng Moise sẽ được cử tri hoan nghênh vì doanh nhân này có nền tảng liên quan đến nông nghiệp. Moise giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử mà phần lớn cử tri làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Sau khi đắc cử, Moise bị cáo buộc hành xử ngày càng giống một "kẻ độc tài" tìm cách củng cố quyền lực, dù ông liên tục phủ nhận.
Vào năm 2017, năm đầu tiên Moise giữ chức Tổng thống, Thượng viện Haiti đã ra một báo cáo cáo buộc ông biển thủ ít nhất 700.000 USD từ một quỹ phát triển cơ sở hạ tầng có tên PetroCaribe. Người biểu tình tình tràn ra đường hô khẩu hiệu "Tiền của PetroCaribe ở đâu?".
Thiếu sự tín nhiệm của người dân Haiti, Moise dựa vào "quyền lực cứng" để tiếp tục nắm quyền. Ông đã hồi sinh quân đội hai thập kỷ sau khi nó bị giải tán và tạo ra một cơ quan tình báo trong nước với quyền hạn giám sát lớn. Haiti không có lực lượng quân sự kể từ năm 1995 do cựu tổng thống Jean-Bertrand Aristide giải tán quân đội sau khi trở lại nắm quyền sau một cuộc đảo chính. Cảnh sát quốc gia là lực lượng chịu trách nhiệm về an ninh.
Từ đầu năm ngoái, Moise đã điều hành nhà nước bằng sắc lệnh khi nước này không có cơ quan lập pháp. Quốc hội Haiti đã giải tán vào đầu năm 2020 khi nhiệm kỳ của các nhà lập pháp kết thúc và không cuộc bầu cử mới nào được tổ chức.
Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở Haiti vì tình trạng thiếu khí đốt, mất điện, lạm phát cao và điều kiện sống ngày càng tồi tệ. Bạo lực băng đảng cũng đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Phong trào biểu tình ngày càng gia tăng vào đầu năm nay, sau khi Moise từ chối rời ghế để tổ chức cuộc bầu cử tổng thống mới. Moise cho rằng nhiệm kỳ của ông kéo dài đến ngày 7/2/2022, trong khi phe đối lập cho rằng nhiệm kỳ của ông kết thúc vào ngày 7/2/2021. Bất đồng này bắt nguồn từ việc Moise được bầu trong một cuộc bỏ phiếu năm 2015 nhưng bị hủy bỏ vì gian lận, sau đó được bầu lại vào tháng 11/2016 và nhậm chức vào tháng 2/2017.
Trước khi bị ám sát, Moise đã lên kế hoạch thay đổi Hiến pháp Haiti để tăng cường quyền lực của tổng thống và kéo dài thời gian cầm quyền của mình.
"Lịch sử sẽ ghi nhớ Moise như một người cứng đầu và dũng cảm, biết mình muốn gì và sẵn sàng chiến đấu vì nó", Pierre Reginald Boulos, lãnh đạo doanh nghiệp thuộc phe đối lập, nói. Boulos vốn giúp Moise đắc cử nhưng sau đó quan hệ giữa hai người rạn nứt. Boulos bị đơn vị chống tham nhũng của chính phủ điều tra, động thái nhiều người coi là mang động cơ chính trị.
"Từ những gì tôi biết về ông ấy trước khi chúng tôi cắt quan hệ, đây là một người thực sự muốn thấy sự thay đổi ở Haiti. Tôi nghĩ mong muốn được nhìn thấy một Haiti mới của ông ấy là có thật. Và ông ấy có nhiều năng lượng hơn bất cứ ai. Đây là một tổng thống đã làm việc 14, 16, 18, 20 giờ một ngày", Boulos nói. "Tuy nhiên khi ông ấy đã vạch ra mục tiêu trong đầu, ông ấy trở nên mù quáng".
Khi được hỏi ai là người có thể đứng sau vụ giết Moise, Boulos đáp "tên của mọi người đều được nêu ra, bao gồm cả tôi".
James Morrell, giám đốc Dự án Dân chủ Haiti, nhóm được thành lập bởi các cựu đại sứ Mỹ chuyên giám sát bầu cử ở Haiti, không đồng tình với những người tin rằng Moise đã nắm quyền bất hợp pháp. Ông cáo buộc Mỹ và cộng đồng quốc tế bỏ rơi Moise bằng cách rút lực lượng của Liên Hợp Quốc khỏi Haiti.
"Phe đối lập đã chĩa súng vào ông ấy gần như ngay từ đầu", Morrell nói.
Ngay cả những người chỉ trích Moise cũng đồng ý rằng Moise đã sử dụng quyền lực để cố gắng chấm dứt thế độc quyền cung cấp hợp đồng béo bở cho giới thượng lưu quyền lực. Điều đó khiến ông có nhiều kẻ thù. Nhưng những người khác coi nỗ lực đó là đạo đức giả vì ông không khác gì họ.
"Đối với một số người, ông ấy là lãnh đạo tham nhũng, nhưng với những người khác, ông ấy là nhà cải cách", Leonie Hermantin, nhà hoạt động cộng đồng người Haiti ở Miami, cho biết. "Ông ấy là một người đang cố gắng thay đổi vấn đề điện của đất nước, đặc biệt là về khía cạnh tiền bạc và ai là người có quyền kiểm soát các hợp đồng điện. Các nhà tài phiệt đã được trả hàng tỷ USD để cung cấp điện cho một quốc gia vẫn chìm trong bóng tối".
Simon Desras, cựu thượng nghị sĩ đối lập ở Haiti, nói rằng Moise dường như biết rằng cuộc chiến chống lại những người giàu có và quyền lực trong nước sẽ khiến ông bị giết.
"Tôi nhớ trong bài phát biểu của mình, Moise nói rằng ông ấy chỉ nhắm mục tiêu đến những người giàu bằng cách chấm dứt hợp đồng của họ", Desras nói. "Ông ấy nói rằng ông ấy có thể chết vì lý do đó, bởi vì những người đó đã quen với việc giật dây các vụ ám sát và đẩy đối thủ vào cuộc sống lưu vong".
"Giống như ông ấy đã đưa ra lời tiên tri vậy", Desras bình luận.
Phương Vũ (Theo Reuters/NYTimes)