Người thứ ba liên quan vụ án là ông Khổng Văn Đệ (96 tuổi), gia đình cho biết đã có đơn yêu cầu bồi thường song số tiền chưa được công bố.
Năm 1980, ba ông bị điều tra tội Giết người, sau gần ba năm tạm giam đã được trả tự do, đình chỉ điều tra. Ba ông mang thân phận bị can trong 39 năm, cho tới khi VKSND tỉnh Vĩnh Phúc nhận có những "sai sót dẫn đến hậu quả không ai mong muốn".
Tháng 10/2019, là đơn vị phê chuẩn các quyết định khởi tố, bắt tạm giam, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã xin lỗi công khai ông Chinh, Thám cùng ông Đệ, mong gia đình ba ông "thông cảm cho các cơ quan công tố thời bấy giờ".
Trong đơn gửi VKSND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Chinh yêu cầu được bồi thường hơn 12,8 tỷ đồng cho những tổn thất về tinh thần, sức khỏe, thu nhập bị mất... Người đại diện hợp pháp của ông Thám đề nghị bồi thường 25 tỷ đồng.
Trong buổi làm việc ngày 18/6 với ông Chinh và gia đình ông Thám, đại diện VKSND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, việc giải quyết bồi thường oan sai phải thực hiện đúng quy trình và "đây là một trình tự khác so với công khai xin lỗi". VKS mong muốn giải quyết bồi thường có lợi nhất cho các ông song cũng phải phù hợp quy định pháp luật về bồi thường oan sai.
Chậm nhất ngày 26/6, VKS sẽ có thông báo về việc thụ lý những đơn yêu cầu bồi thường này. Nếu thụ lý, trong một tháng, VKS sẽ xúc tiến thương lượng bồi thường với các gia đình.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 28/1/1980, tại thôn Vạn Thắng xảy ra vụ giết ông Chu Văn Quản (bí thư chi bộ thôn). Sau hơn hai tháng điều tra, ngày 3/3/1980, ông Chinh, Thám bị khởi tố, bắt. Hai tháng sau đó, ông Thám chết trong trại giam và công an thông báo nguyên nhân do mắc bệnh kiết lỵ. Tháng 4/1980, ông Đệ và Nguyễn Đình Ký bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc giết người.
Trong quá trình điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) xác định chỉ có một mình Ký gây án. Công an tỉnh Vĩnh Phú ra quyết định đình chỉ điều tra với ông Chinh, Thám và Đệ. Được trả tự do sau ba năm vướng lao lý, ba ông gửi hàng nghìn lá đơn kêu oan trong nhiều năm.
Trong 5 năm qua, nhiều người bị oan sai đã yêu cầu các cơ quan tố tụng bồi thường song số tiền đạt được thỏa thuận đều thấp hơn mức ban đầu đưa ra. Năm 2015, ông Nguyễn Thanh Chấn (tỉnh Bắc Giang) yêu cầu tòa bồi thường hơn 9,3 tỷ đồng cho 10 năm ngồi tù oan. Sau 10 tháng thương lượng, ông nhận tiền bồi thường nhiều nhất cả nước với 7,2 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Thêm (tỉnh Bắc Ninh) mang thân phận tử tù 44 năm đã yêu cầu bồi thường 15 tỷ đồng cho 6 năm ngồi tù oan. Sau gần 3 năm, năm 2019 ông Thêm được chi trả 6,7 tỷ đồng.
Một số vụ án khác như ông Hàn Đức Long (Bắc Giang) bốn lần bị tuyên án tử hình; ba mẹ con bà Đặng Thị Nga (tỉnh Điện Biên) bị hàm oan tội giết chồng, cha suốt 28 năm; ông Mưu Quý Sường (Bắc Giang) bị bắt oan 7 năm hiện vẫn chưa hoàn tất thương lượng bồi thường.