Buổi xin lỗi được tổ chức công khai tại UBND xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô. Ba ông Trinh, Thám (em ông Trinh) và Đệ bị khởi tố, bắt giam vào 39 năm trước để điều tra tội Giết người nhưng sau đó được trả tự do vì không phải là thủ phạm. Ông Thám đã chết nên VKS mời người đại diện của gia đình.
Từ sáng sớm 9/10, hàng trăm người dân đến trụ sở UBND xã theo dõi buổi xin lỗi song chỉ những ai có giấy mời mới được vào hội trường có hơn 100 ghế. Mọi người cười nói vui vẻ, chia sẻ niềm vui với ba gia đình.
Đại diện đọc lời xin lỗi công khai, Phó viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Phúc Ngô Khương Tuyến thừa nhận cơ quan này đã có những "sai sót dẫn đến hậu quả không ai mong muốn". VKS mong gia đình ba người bị bắt oan chấp nhận lời xin lỗi và "thông cảm cho các cơ quan công tố thời bấy giờ". Nhà chức trách sẽ kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm các cá nhân để xảy ra sai phạm.
Thay mặt một người đã chết, một người không còn đủ minh mẫn, ông Trinh đứng lên phát biểu, nói "mừng rơi nước mắt" khi sau bao năm "mang thân phận kẻ giết người" cuối cùng đã nhận được lời xin lỗi.
Thay mặt người bố đã chết trong thời gian bị bắt, anh Trần Văn Mạnh (con trai ông Thám) hy vọng sau buổi xin lỗi này cơ quan tố tụng sẽ sớm giải quyết việc bồi thường để ba gia đình ổn định cuộc sống.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 28/1/1980, tại thôn Vạn Thắng xảy ra vụ giết ông Chu Văn Quản (bí thư chi bộ thôn). Một ngày sau, Công an huyện Lập Thạch (cũ) ra quyết định khởi tố vụ án.
Sau hơn hai tháng điều tra, ngày 3/3/1980, ông Trinh, Thám bị khởi tố, bắt. Hai tháng sau đó ông Thám tử vong và công an thông báo lý do là mắc bệnh kiết lỵ. Tháng 4/1980, ông Đệ và Nguyễn Đình Ký bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc giết người.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) xác định chỉ có một mình Ký gây án. Ngày 15/6/1983, Ký bị TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên phạt tù chung thân.
Công an tỉnh Vĩnh Phú ra quyết định đình cứu với ông Trinh, Thám và Đệ. Từ khi được trả tự do, cả ba người không nhận được lời xin lỗi hay giải thích thỏa đáng từ cấp có thẩm quyền. Họ cho hay phải "sống trong tủi nhục" và đã gửi hàng nghìn lá đơn kêu oan trong nhiều năm.
VKSND Tối cao sau đó xác định thẩm quyền giải quyết vụ án thuộc về VKSND tỉnh Vĩnh Phúc.