Trưa 24/10, trong căn nhà cấp bốn giản dị dưới chân đèo Pha Đin (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), rất đông người thân, hàng xóm tới chia vui với gia đình bà Đặng Thị Nga (79 tuổi) vì được xin lỗi công khai sau 28 năm vướng lao lý.
Bà Nga kể đêm 17 rạng sáng 18/9/1998 không thấy chồng là ông Trịnh Huy Tùng đi về, bà cùng các con đi tìm. Cả nhà sau đó phát hiện ông chết dưới giếng của gia đình.
Nỗi đau mất người thân chưa nguôi thì 4 ngày sau, hai con của bà là Trịnh Công Hiến (khi đó 26 tuổi) và Trịnh Huy Dương (19 tuổi) bị Công an tỉnh Lai Châu cũ (sau tách thành tỉnh Lai Châu và Điện Biên) đến nhà đọc lệnh bắt do nghi vấn giết cha. 10 ngày sau đó, bà Nga bị bắt với cáo buộc đã tiếp tay cho hai con.
Việc ba mẹ con bà Nga bị bắt khiến cuộc sống gia đình đảo lộn. Cô con gái Trịnh Thị Ngọc (lúc đó 16 tuổi) thay mẹ chăm sóc hai cậu em trai 13 tuổi và 10 tuổi. Ngọc phải bỏ dở việc học hành việc để buôn bán kiếm tiền. Mỗi lần đi "tiếp tế" mất hai ngày do trại tạm giam ở cách xa 200km.
Bà Nga kể thời gian này luôn đau đáu về ba đứa con bơ vơ ở nhà, chỉ lo bị chết đói. Ba mẹ con bà một mực không nhận tội nhưng khi được động viên “cứ nhận” sẽ được tại ngoại, bà đã đồng ý. Anh Hiến, Dương nhận đã "giết cha" để bà Nga "sạch tội" về chăm sóc ba con đứa con ở nhà. Sau bảy tháng bị tạm giam, người mẹ được tạm tha.
"Trở về nhà đối mặt với điều tiếng quá lớn, tôi gần như kiệt quệ, song cố gắng lao động để nuôi các con, thăm nom hai con trai lớn bị tạm giam", bà nói.
Năm 1990, TAND tỉnh Lai Châu (cũ) mở phiên xét xử sơ thẩm, kết án bà Nga 36 tháng tù treo về tội Che giấu tội phạm. Anh Hiến lĩnh 18 năm và Trịnh Huy Dương 12 năm về tội Giết người.
Sau phiên tòa, bà Nga bắt đầu hành trình đi kêu oan, tuy nhiên phải lén lút vì biết đang mang án treo không được rời địa phương. Bà sợ nếu chính quyền biết thì bắt giam, không còn cơ hội ở ngoài đi kêu cứu.
Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội khi xem xét lại vụ án đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Tháng 1/1992, trong quá trình điều tra lại, VKSND tỉnh Lai Châu (cũ) đã hủy bỏ lệnh bắt với anh Hiến và Dương sau 28 tháng tạm giam.
Từ ngày các con về, bà Nga càng quyết tâm đi kêu oan. Trong nhiều năm, hàng tháng tích cóp từ việc bán bánh tẻ, bà đón xe về Hà Nội gửi đơn tới các cơ quan tố tụng. Nhiều lá đơn gửi tới VKSND Tối cao nhưng không có hồi đáp. Trong một lần tới Văn phòng Quốc hội đơn của bà được một cảnh sát tiếp nhận, hứa sẽ chuyển giúp tới Chủ tịch Quốc hội khi đó là ông Nông Đức Mạnh. Và bà được hồi đáp rằng đơn đã gửi lại tỉnh để giải quyết.
Không nguôi hy vọng, bà tiếp tục gửi đơn tới các cơ quan trung ương, báo đài tại Hà Nội với niềm tin sẽ có nơi nhận và giải oan cho ba mẹ con. Năm 1999, khi con trai út đỗ đại học, bà tạm dừng "công việc", tập trung tiền bạc cho con, đợi học xong rồi lại tiếp tục đi kêu oan.
Cuộc sống bất hạnh với vụ án 'treo lơ lửng'
Mang điều tiếng, dị nghị về tội giết chồng, con giết cha, song gia đình bà Nga không muốn chuyển đi nơi khác dù nhiều người họ hàng sống ở tỉnh Thái Nguyên. “Tôi phải ở lại mảnh đất này để khẳng định ba mẹ con vô tội”, bà chia sẻ.
“Vụ án bị “treo” lơ lửng suốt nhiều năm. Mẹ con tôi sống trong uất ức và tủi nhục. Các con đi xin việc ở đâu cũng bị từ chối, đến tuổi lập gia đình cũng chẳng ai đoái hoài”, bà nói.
Trước cảnh anh trai đoản mệnh, mẹ suy sụp, lời dị nghị quá lớn từ hàng xóm, anh Dương lang thang về Hà Nội làm đủ nghề để kiếm sống. Anh bảo lúc nào cũng mang theo tờ lệnh được thay đổi biện pháp ngăn chặn sau phiên phúc thẩm trả hồ sơ điều tra bổ sung như "bùa hộ mệnh" trong người. Nhiều năm sau đó anh không dám quay về ngôi nhà có nhiều tủi nhục.
Người em út khi xin được công việc trên thành phố Điện Biên cũng chịu ảnh hưởng từ “bản án lơ lửng” 28 năm của mẹ và các anh trai. Anh từng suýt không được kết nạp Đảng do có “lý lịch đen”.
Sau 28 năm, ngày 24/10 được Chánh án TAND tỉnh Điện Biên đọc lời xin lỗi tòa án đã kết tội oan, mẹ con bà Nga mới thấy nhẹ nhõm. Tuy nhiên, điều canh cánh với bà lúc này là cái chết của chồng vẫn chưa được giải mã.