Vài năm gần đây, Twitter đối mặt với chỉ trích từ người dùng rằng mạng xã hội này thụ động và không nhất quán trong chính sách. Nhiều trong số 4.000 nhân viên Twitter cho rằng công ty và CEO Jack Dorsey tảng lờ những hoạt động có hại trên các tài khoản của người nổi tiếng, trong khi số khác lại lo ngại việc can thiệp vào những tài khoản này chẳng khác gì hành động kiểm duyệt nội dung.
Năm 2018, sau những phiên điều trần trước Quốc hội, Facebook đã ứng dụng AI và thuê hàng chục nghìn cộng tác viên chịu trách nhiệm duyệt nội dung và xác minh thông tin. Twitter cũng bắt đầu xóa hàng loạt tài khoản giả mạo, cấm những thông điệp mang tính thù địch.
Hai mạng xã hội này quyết định gắn cờ các nội dung vi phạm chính sách cộng đồng của mình. Tuy nhiên, từ năm 2019, hướng đi của hai bên bắt đầu khác biệt. Twitter tuyên bố cấm hoàn toàn các quảng cáo chính trị, còn Facebook chọn tiếp tục chấp nhận nội dung này, đồng thời khẳng định không phân biệt đúng sai đối với các thông tin chính trị.
Cũng trong hai năm đó, các chính trị gia nổi tiếng như Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi liên tục chọn Twitter là kênh truyền thông ưa thích để chia sẻ quan điểm, bình luận. Twitter cũng bắt đầu nhận thấy nhiều bình luận của các chính trị gia này xung đột với chính sách của công ty, mang tính xúc phạm hoặc gây ra các tác động có hại trong đời thực.
Nguồn tin thân cận với Twitter tiết lộ, đội ngũ nhân viên công ty nhiều lần họp riêng và không chính thức để thảo luận việc có nên áp dụng quy định của mình đối với các thông điệp của Trump hay không. Căng thẳng tiếp tục tăng lên trong những tuần gần đây khi Covid-19 lan rộng trên toàn cầu.
Một số nhân viên Twitter tin công ty cần thúc đẩy chính sách hạn chế nội dung mà họ cho là có hại, gây thù địch, kể cả khi thông điệp đó đến từ Trump - sở hữu tài khoản với hơn 80 triệu người theo dõi.
Đầu tháng 5, Twitter triển khai công cụ fact-check (xác minh dữ kiện) mới với mục đích gắn cảnh báo vào những thông điệp của người nổi tiếng mà họ cho là chưa chính xác nhưng không cần gỡ hoàn toàn nội dung. Công ty cho biết công cụ ra đời để xử lý các tin giả, sai lệch về Covid-19, nhưng có thể được mở rộng để áp dụng trong những trường hợp khác.
Ngày 20/5, Twitter thông báo tới đội ngũ của Trump rằng thông điệp về gian lận lá phiếu có nguy cơ bị cảnh báo fact-check. Trump đã xóa tweet này. Đến 26/5, mạng xã hội lần đầu tiên gắn công cụ xác minh dữ liệu vào hai tweet của Trump liên quan tới việc bỏ phiếu qua thư.
Theo WSJ, việc gắn fact-check này được Twitter quyết định một cách bất ngờ. Jack Dorsey cho biết: "Phải có ai đó chịu trách nhiệm về quyết định của công ty và đó là tôi".
Đáp lại, ngày 29/5, Trump cho rằng hành động của Twitter ngăn cản tự do ngôn luận và ký sắc lệnh nhằm xóa bỏ "lá chắn pháp lý" vốn đang bảo vệ các mạng xã hội Mỹ nhiều năm qua. Tấm lá chắn này chính là Điều 230 của đạo luật về chuẩn mực truyền thông CDA, được ban hành năm 1996, phân biệt các nền tảng công nghệ với nhà xuất bản. Trong đó, mạng xã hội không phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các nội dung mà người dùng đăng lên.
Trang Recode nhận định, nếu không có sự bảo vệ của Điều 230, Internet không thể vận hành như hiện nay, bởi các trang web hoạt động dựa trên sự đóng góp nội dung của người dùng sẽ biến mất.
Dù vậy, nhiều nhà lập pháp Mỹ cũng cho rằng cần xét lại Điều 230 bởi các mạng xã hội không thể biện minh họ chỉ tạo ra nền tảng và "vô can" trước hoạt động của người dùng. Thời gian qua, Facebook, Twitter... cũng chịu nhiều sức ép, không chỉ ở Mỹ mà cả ở các nước khác, trong việc phải kiểm soát chặt chẽ hơn những thông tin sai lệch, thất thiệt... Giới công nghệ lo ngại, sắc lệnh, nếu có hiệu lực, sẽ mở đường cho hàng loạt vụ kiện nhằm vào các mạng xã hội.
Trong khi đó, đáp lại tuyên bố "mạng xã hội không nên làm trọng tài sự thật" của CEO Facebook, CEO Twitter khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ ra những thông tin không chính xác hoặc còn tranh cãi về các cuộc bầu cử toàn cầu. Chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng nhận sai lầm nếu mắc phải".
Châu An (theo WSJ)