Gần đây, tôi thấy có một chủ đề được nhiều độc giả tham gia bàn luận, đó là câu chuyện "bỏ phố về quê". Thực ra, đây không phải là trào lưu mới xuất hiện, nhưng trong giai đoạn mọi mặt của xã hội bị đảo lộn vì dịch bệnh, nó lại trở nên rất "nóng". Việc bỏ phố về quê, có bạn đạt được thành công như mong ước; nhưng cũng có không ít người thất bại, hoang mang, stress, thậm chí "tháo chạy" chỉ sau một thời gian ngắn.
Nhưng có một điều không thể xảy ra đó là chuyện "tay không bắt giặc", bởi ai cũng phải trải qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu, trải nghiệm, thực hiện và trả giá. Dù thành công hay không, thì đó cũng là những kinh nghiệm, vốn sống cho cuộc đời mỗi người. Tôi cũng là một người có suy nghĩ "bỏ phố về quê" và đang từng bước thực hiện kế hoạch của mình. Xin chia sẻ với các bạn chút kinh nghiệm bản thân:
Tôi thuộc nhóm 7X đời đầu, lớn lên ở một vùng đất miền Trung, nên không lạ gì thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, khô hạn, mưa bão hàng năm. Gia đình tôi sống ở thị trấn, không làm nông nghiệp nhưng nhà ông nội ở vùng quê cách đó 15 km có ruộng, vườn đầy đủ, nên tuổi thơ tôi cũng biết thế nào là tắm sông, bắt chim, đuổi gà, kể cả làm vườn, trồng cây...
Tốt nghiệp đại học, tôi ở lại Sài Gòn sống và làm việc được gần 30 năm, công việc ổn định, thu nhập vừa phải, trải qua từ môi trường doanh nghiệp đến đơn vị sự nghiệp. Vợ tôi làm kinh doanh tự do tại nhà. Tôi mua căn nhà đầu tiên khi mới lấy vợ, năm 1998, ở Gò Vấp với giá 12 cây vàng. Qua khoảng sáu lần đổi nhà, đến nay, tôi đã có căn nhà ưng ý, rộng rãi, với sân vườn đủ cả. Thời gian rảnh rỗi, vợ chồng thường hay đi xem nhà, đất ở vùng ven như Củ Chi, Hóc Môn, Long An, Bà Rịa, Tiền Giang... Hàng năm, chúng tôi đều mua bán 1-2 căn nhà để có thêm thu nhập và tích lũy, xoay vòng vốn. Do ít vốn, nên tôi chủ yếu vay ngân hàng và hùn chung với bạn bè.
>> Vất vả thành phố hơn về quê nhàn hạ
Nhờ đi nhiều nên tôi cũng nắm tương đối rõ tình hình ở các khu vực, cũng là để chuẩn bị cho ý tưởng chọn nơi "về quê" cho phù hợp khi có điều kiện. Tôi và mấy đứa con thích trồng cây, nuôi cá, ở nơi mát mẻ, sống an nhàn; vợ lại thích nấu ăn. Thế nên, nếu chúng tôi chọn quê nội sẽ không ổn, vì xa xôi tới hơn 700 km, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt, khô hạn, cây trái còi cọc, chỉ có thể trồng lúa, khoai mì, các cây chịu hạn...
Trong khi đó, vùng Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu có điều kiện sống, làm việc và khí hậu tương tự Sài Gòn, nhưng giá cả không rẻ hơn bao nhiêu, lại đang đô thị hóa nhanh, đất đai tuy rộng nhưng chỉ phù hợp với làm rẫy, trồng cây công nghiệp. Khu vực Long Khánh làm vườn quá chuẩn nhưng vợ tôi lại sợ đất đỏ hai mùa mưa nắng. Ngoài ra, vợ còn dị ứng với gió biển nên hướng Bà Rịa – Vũng Tàu cũng phải bỏ qua. Cuối cùng, chúng tôi chọn Đà Lạt, Bảo Lộc với khí hậu mát mẻ, cây trái nhiều, phong cảnh đẹp là nơi lý tưởng.
Năm 2019, tôi và vài người bạn đã xem nhiều vị trí phù hợp ở gần trục đường Trần Hưng Đạo, đầu tuyến đường tránh thành phố Bảo Lộc, khu dân cư hiện hữu, nhà vườn hạ tầng có sẵn, đường ôtô vào được, có suối nước; trường học, nhà thờ, chợ gần; có thể kinh doanh được... Trong khi đó, giá lại khá rẻ. Tuy nhiên, có một bất lợi đó là thời gian đi lại khá dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe, mất khoảng 5–6 giờ lái xe liên tục, đường lại xấu, nguy hiểm, hay kẹt xe.
Vì thế, sau khi cân nhắc, gia đình tôi chọn khu vực lân cận thành phố Mỹ Tho – Tiền Giang để chuẩn bị "về vườn" với các thuận lợi như sau: là vùng cây trái đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long, đất đai màu mỡ; chưa chịu ảnh hưởng nhiều của đô thị hóa, không khí trong lành; giữ được nhiều bản sắc văn hóa truyền thống; nhiều món ăn ngon; người dân hiền lành, chất phác, thật thà; giao thông thuận lợi, gần TP HCM (thời gian đi lại trong vòng hai giờ đồng hồ); hạ tầng kỹ thuật khá đồng bộ, đầy đủ.
Tôi chọn khu vực cách quốc lộ 1A khoảng hai km, đường bê tông ôtô chạy được; điện, nước, wifi đầy đủ; có trường học, chợ cách khoảng 500 mét; có hệ thống nước tưới tiêu tự nhiên.... Gần đó cũng có các khu công nghiệp, dịch vụ, các tiện ích công cộng, hạ tầng xã hội đáp ứng phần lớn nhu cầu sinh hoạt và việc làm của người dân. Giá cả cũng phù hợp, bình quân 700 triệu – một tỷ đồng mỗi công đất (1.000 m2), lên thổ cư từ 100-300 nghìn đồng một m2; xây nhà trên đất thổ cư không phải xin cấp phép xây dựng (nhà ở nông thôn).
>> Tháo chạy sau ba tháng 'bỏ phố về quê'
Quá trình thực hiện kế hoạch "bỏ phố về quê" của gia đình tôi như sau:
Tôi cùng người bạn, mỗi người mua một công đất cạnh nhau vào cuối năm 2019. Trên đất đã có khoảng 50 chục gốc dừa xiêm và mít Thái hơn một năm tuổi. Chúng tôi dự định để vài năm nữa sẽ xây nhà nhưng vào đầu đợt dịch năm 2020, do giãn cách xã hội, có thời gian rảnh nên tôi cho xây luôn để ở tránh dịch.
Tôi chủ trương hạn chế san lấp, chặt cây, bê tông hóa sân đường; xây dựng theo mô hình nhà vườn, dạng bungalow đơn giản nhưng khá kiên cố, thông thoáng, kiến trúc phù hợp để tiết giảm chi phí; đào vét mương nuôi thêm cá (tai tượng, tra, diêu hồng, chép, dầu ghém,...); cá lóc, cá sặc tự nhiên vốn nhiều vô kể. Ngoài dừa, mít, chuối có sẵn, tôi trồng chen thêm cây ăn trái như mãng cầu, đu đủ, xoài, vú sữa, chôm chôm, cóc, ổi, táo, sầu riêng, bưởi... và lắp thêm hệ thống bơm tưới tự động (12 triệu đồng). Tôi cũng hạn chế dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu.
Trong nhà, tôi trang bị tiện nghi đầy đủ như ở thành phố với tivi, tủ lạnh, máy lạnh, wifi, nước nóng, WC riêng theo phòng... nên con nít rất thích, chơi game được; tôi vẫn có điều kiện làm việc online, theo dõi thông tin, sinh hoạt văn hóa... Thời gian không có mặt, tôi thuê người coi nhà vườn, làm vệ sinh, chăm sóc cây, cho cá ăn, bón phân, tưới nước, làm cỏ, diệt sâu theo công nhật. Chi phí thuê nhân công, vật tư, điện, nước, internet hàng tháng từ 1,2–1,5 triệu đồng; cây giống từ 20–80 nghìn đồng tùy loại, bốn camera giám sát giá sáu triệu đồng.
Đến nay, sau hơn một năm, cây trái, cá nuôi đã bước đầu được thu hoạch. Gia đình tôi vẫn đi về nghỉ dưỡng hàng tuần hoặc ngày lễ, Tết. Tuy chưa có thu nhập ròng từ vườn nhưng chi phí bỏ ra hợp lý, không tốn kém nhiều, quy mô vừa phải, lại không mất quá nhiều công sức. Nhờ đó, tôi tiết kiệm được chi phí đi du lịch hàng năm, có thực phẩm sạch (rau, trái cây các loại, thịt cá, gà) để sử dụng và biếu tặng hàng xóm; phù hợp sở thích các thành viên trong gia đình; các con biết lao động trồng cây, chăm cá, thu hoạch trái cây; đặc biệt khí hậu trong lành, không chịu cảnh khói bụi, kẹt xe, ồn ào.
Trước mắt, tôi vẫn làm việc tại Sài Gòn, khi nào thuận lợi sẽ chuyển về sống và làm việc tại "nhà vườn", ít bữa lên xuống thăm mấy đứa nhỏ còn đi học. Tuy thu nhập có giảm hơn nhưng tôi sẽ thấy thoải mái, vui hơn thay vì chịu nhiều áp lực, môi trường ô nhiễm hay chịu cảnh bí bách trong bốn bức tường nhà thành phố như trong đợt giãn cách này.
>> Trang trại 'bỏ phố về quê' 50.000 m2 khiến tôi stress
Đối với các bạn có nhu cầu và dự định "bỏ phố về quê" với tài chính vừa phải, tôi cũng có một số kinh nghiệm sau:
Đầu tiên, bạn cần tự xác định, trả lời các câu hỏi như "bạn về quê để làm gì?", "tại sao lại về quê (chán thành phố, nóng bức, ô nhiễm, ồn ào, áp lực công việc, giá cả cao, thu nhập thấp, không thể mua được nhà riêng, không thích ở thành phố, về gần cha mẹ để chăm sóc hoặc chờ thừa kế...)?", "bạn dự định làm gì khi về quê (làm nông nghiệp như trồng lúa, trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ cung ứng, hay làm thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh cá thể...)?, "bạn làm gì để sống trong thời gian ở quê chưa mang lại nguồn thu để bù lại chi phí (sử dụng tiền tiết kiệm, vay mượn, bạn bè hùn vốn, làm công việc khác...)?".
Những điều này sẽ rất quan trọng, vì nó sẽ quyết định việc bạn sẽ "bỏ của chạy lấy người" hay tiếp tục gắn bó với quê? Ngoài ra, bạn cũng cần xác định sẽ làm như thế nào? Mua đất hay thuê; xây nhà, trang trại; tự làm, thuê người làm hay đi làm thuê, làm công rồi về nghỉ ngơi, vẫn làm việc ở thành phố lâu lâu về nghỉ...? Dự kiến tổng chi phí (chi phí đầu tư, phí cố định, phí lưu động), diện tích sử dụng... là bao nhiêu, để xem có quá sức mình không và cần có khoản dự phòng? Khi nào bạn sẽ thực hiện (làm ngay, trải nghiệm một thời gian rồi quyết định, sau khi tham vấn bạn bè, người thân...)?
Bạn sẽ chọn vùng quê nào (nơi mình sinh ra, lớn lên; hay vùng ven thành phố nào đó hay khu vực gần nơi mình đang làm việc, sinh sống)? Nên chọn vùng không quá xa nơi đang làm việc để thuận tiện đi lại, nghỉ ngơi hay xây dựng, sửa chữa, thực hiện các thủ tục giấy tờ; vùng có khí hậu, địa hình phù hợp (nhiều người sợ lạnh, sợ sông nước, dị ứng với gió biển, nước biển, nắng nóng, sợ độ cao...)? Điều kiện tự nhiên, xã hội và cơ sở hạ tầng (nên chọn trong khu dân cư hiện hữu, chuyển lên đất ở được; gần trung tâm hành chính, chợ, trường học, y tế; có điện nước, internet; giao thông thuận lợi, đường đi riêng, không ở nơi quá hẻo lánh, âm u...)?
Để đáp ứng được hết những tiêu chí đó, giá đất có thể sẽ cao hơn một chút nhưng bù lại, sẽ thuận lợi do đảm bảo an ninh, đỡ buồn chán; cung cấp vật tư, dịch vụ cần thiết, vận chuyển, đi lại thuận tiện và sau này có bán lại cũng dễ dàng, được giá. Bạn cũng cần đánh giá khả năng để đáp ứng mục tiêu, phương thức để quyết định thực hiện. Tài chính, hiệu quả, sức khỏe, kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn, sự ủng hộ của các thành viên trong gia đình; điều kiện khu vực lựa chọn... tất cả đều cần được xác định rõ.
Điều cuối cùng và cũng là điều cơ bản nhất: Bạn có thích quê không, có cảm thấy sức hút của nơi đó đối với mình không? Bởi chỉ khi có được cảm xúc đó, bạn mới có thể gắn bó lâu dài, tâm huyết với quê được. Còn không, bạn cũng chỉ như là một người đầu tư đi tìm lợi ích kinh tế mà thôi. Chúc các bạn thành công.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.