Tại cuộc họp của lãnh đạo Chính phủ với 28 tỉnh, thành ven biển chiều 17/12, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Khí tượng Thủy văn, nói bão Rai sẽ vào Biển Đông trong tối 17/12 với hai kịch bản.
Thứ nhất, khả năng xảy ra khoảng 80%, bão đi sát đất liền ven biển các tỉnh miền Trung sau đó đổi hướng lên phía Bắc, dọc theo các tỉnh từ Quảng Ngãi đổ ra đến Quảng Trị.
Với kịch bản này, từ đêm 18/12, bão sẽ gây gió cấp 8 ở khu vực biển từ Quảng Bình đến Phú Yên; ngày 19-20/12 sức gió tăng lên cấp 10-11.
"Đảo Lý Sơn dự báo sẽ chịu sức gió mạnh nhất, cấp 10, giật cấp 12, đảo Phú Quý có thể có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 trong ngày 18/12. Vùng ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi gió cấp 6-7, giật cấp 9", ông Thái nói.
Ngoài ra, từ đêm 18/12 đến hết ngày 19/12, Trung Bộ và Nam Bộ tổng lượng mưa khoảng 150-250 mm, bão đi nhanh nên mưa cũng sẽ kết thúc nhanh.
Thứ hai, khả năng xảy ra khoảng 20%, bão đi thẳng vào đất liền các tỉnh từ Quảng Trị trở vào đến Quảng Ngãi. Với kịch bản này, khu vực bão đổ bộ sẽ có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13, kèm theo sóng lớn 5-7 m, nước dâng do bão từ 1 m; lượng mưa phổ biến 200-250 mm, gió trên biển giống kịch bản một.
Ông Thái lưu ý các tỉnh miền Trung ngoài phương án ứng phó với gió mạnh trên biển còn cần xây dựng kịch bản về khả năng cơn bão ảnh hưởng đến đất liền.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, hiện còn 273 tàu với hơn 2.000 người hoạt động ở khu vực nguy hiểm, các phương tiện đã nắm được thông tin và đang di chuyển về nơi tránh trú. Có bốn đảo chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão là Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Lý Sơn và Phú Quý với tổng số gần 52.000 người.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp bày tỏ lo lắng khi Rai là cơn bão cuối mùa. "Chúng ta đang ở thời điểm vào vụ cá bắc, bà con ít khi vào đất liền mà thường tránh trú ở điểm tạm. Nếu bão đổi hưởng hoặc vùng ảnh hưởng lớn hơn bình thường thì nguy cơ rất lớn", ông Hiệp nói.
Ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nói việc di dời dân ở các điểm xung yếu trên địa bàn sẽ hoàn thành trước 15h ngày 18/12. Với huyện đảo Lý Sơn, khoảng 250 hộ dân ở khu vực nguy cơ cao sẽ được di dời trước 15h hôm nay (17/12).
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thông tin hai đợt mưa lũ trước đã gây ra 12 vùng sạt lở lớn trên địa bàn, vì vậy "nguy cơ rất lớn" nếu bão Rai đổ bộ vào địa phương và gây mưa lớn.
Bình Định sẽ cấm biển từ 17h chiều nay, 12 hồ chứa hư hỏng nặng, khả năng tích nước thấp cũng sẽ được theo dõi, điều tiết phù hợp xuống hạ du.
Ông Đinh Văn Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nói các đảo trên địa bàn tỉnh hiện có 4.500 khách du lịch, cơ quan chức năng đã chỉ đạo các cơ sở lưu trú thông báo cho khách và lên phương án trú bão an toàn.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành nói Rai là cơn bão muộn, cấp độ cao, hướng di chuyển khó dự đoán. Các yếu tố này rất dễ gây tâm lý chủ quan cho các cơ quan chức năng và người dân. "Những năm trước từng có cơn bão tương tự đổ bộ vào các tỉnh phía Nam gây thiệt hại rất lớn", ông nói, đề nghị cơ quan khí tượng bám sát diễn biến của bão để thông tin tới người dân.
Các lực lượng quân đội, công an phối hợp với chính quyền địa phương sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ người dân ngoài biển, trong bờ và các đảo. "Các địa phương kêu gọi tàu thuyền về nơi an toàn, đây là nhiệm vụ quan trọng nhất vì dự báo đợt này bão phần lớn ở ven biển", Phó thủ tướng nêu rõ.
Theo thống kê, từ năm 1951-2021, trong tháng 12 có 100 cơn bão xuất hiện trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương, đa số ở ngoài Biển Đông, một số cơn đi vào Biển Đông thì di chuyển chủ yếu ở phía Nam, rất ít đi lên phía Bắc và đường đi giống cơn bão Rai chưa từng xuất hiện.