Chiều 17/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết, bão Rai đã vượt qua phía bắc đảo Palaoan (Philippines) đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão thứ 9 trên khu vực này.
Lúc 16h, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 500 km về phía đông đông nam, sức gió mạnh nhất 165 km/h, cấp 14, giật cấp 17.
Đêm nay và ngày mai (17/12), bão theo hướng tây tây bắc với tốc độ 20-25 km/h. Đến 16h ngày 18/12, tâm bão nằm trên phía bắc quần đảo Trường Sa, sức gió mạnh nhất 165 km/h, cấp 13-14, giật cấp 17.
Trong 24-48h tiếp theo, bão theo hướng tây bắc với tốc độ 15-20 km/h. Đến 16h ngày 19/12, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển ngoài khơi Bình Định - Khánh Hòa, sức gió mạnh nhất 135 km/h, cấp 12, giật tăng ba cấp.
Hôm nay, các tỉnh thành Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã yêu cầu tàu không xuất bến khi bão Rai diễn biến phức tạp trên Biển Đông. Các tàu trên biển được kêu gọi vào bờ, tìm nơi trú bão.
Tại quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa, sáng nay gần 500 thuyền viên các tỉnh miền Trung vào các âu tàu thuộc đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã hướng dẫn ngư dân chằng buộc thiết bị, ngư cụ, hỗ trợ nhu yếu phẩm.
Vùng biển Khánh Hòa hiện có hơn 880 tàu và hơn 3.000 ngư dân đang đánh bắt. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh này đang liên lạc và hướng dẫn các tàu tìm nơi tránh trú. Tỉnh Bình Định thống kê có gần 250 tàu với gần 1.800 thuyền viên đang hoạt động trên biển...
Ngoài cấm biển và hướng dẫn tàu thuyền trú bão, các địa phương yêu cầu các chủ lồng bè sơ tán trước 18h hôm nay. Người dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm, giáp biển, triều cường cao được đưa tới nơi an toàn.
Quảng Ngãi yêu cầu dừng tuyến đường thủy Sa Kỳ - Lý Sơn từ 17h hôm nay. Đảo Lý Sơn chủ động dự trữ lương thực nếu biển động dài ngày. TP Quảng Ngãi xử lý tạm thời sạt lở bờ biển xã Nghĩa An đảm bảo an toàn cho người dân.
Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi rà soát các cơ sở sản xuất thực hiện ngay các biện pháp phòng chống bão, đặc biệt là nhà máy lọc dầu Dung Quất, thép Hòa Phát, Khu công nghiệp VSIP.
Ngoài chỉ đạo di dời dân ở các khu vực gần sông, biển, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu gia cố đê, kè, hồ thủy điện, thủy lợi, các công trình đang thi công. Các hồ chứa nước phải đảo bảo an toàn cho công trình và hạ du khi xả lũ...
Lúc 12h hôm nay, bộ đội biên phòng đồn Cửa Đại, Cù Lao Chàm và cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) đã bắn pháo hiệu thông báo cho tàu thuyền vào bờ trú tránh bão.
Quảng Nam có 27 tàu với 223 lao động đang đánh bắt trên biển. Trong đó, 6 tàu ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa với hơn 130 lao động; 21 tàu với 90 lao động gần bờ.
Tại Đà Nẵng, Chủ tịch thành phố yêu cầu các quận, huyện sẵn sàng phương án sơ tán dân nhưng phải đảm bảo quy định về phòng, chống dịch Covid-19; rà soát lại dân cư ở những vùng thấp trũng ven sông, khu vực đồi núi có nguy cơ sạt lở, lũ quét...
Thừa Thiên Huế yêu cầu đơn vị quản lý hồ thủy lợi Tả Trạch điều tiết nước về hạ du để đón bão Rai; hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền theo dõi lưu lượng nước để kịp thời ứng phó.
Chiều 17/12, tại trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp ứng phó bão Rai, kết nối trực tuyến 28 tỉnh, thành phố ven biển. Cuộc họp thống nhất đây là cơn bão diễn biến nhanh, cường độ mạnh, hướng di chuyển lên phía bắc rất bất thường, hiếm gặp. Bão chịu tương tác của khối không khí lạnh từ phía bắc nên diễn biến càng phức tạp, khó lường, không loại trừ đi gần bờ hoặc đổ bộ vào đất liền.
Tiến sĩ Huy Nguyễn, chuyên gia cảnh báo thiên tai, nhận định nền nhiệt bề mặt biển ven bờ thấp hơn 26 độ C không tạo điều kiện tốt cho tâm bão Rai tiếp cận bờ. Vùng ven biển Phú Yên đến Đà Nẵng dự kiến ảnh hưởng gió mạnh khoảng cấp 7-8, giật cấp 9. Thời gian mưa lớn ở khu vực này từ 8h ngày 19/12 đến 20h ngày 19/12, tổng lượng mưa lớn nhất là 50-120 mm tùy nơi trong 12 giờ.
Nhóm phóng viên