Nước Mỹ đã "thiết lập lại chương trình nghị sự toàn cầu bằng cách tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển cách tiếp cận đơn phương sang huy động sức mạnh của đồng minh và các thể chế toàn cầu để đạt được những kết quả rõ ràng", Siddharth Tiwari, trưởng đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, đánh giá về 100 ngày đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tiwari đã chấm điểm A cho Biden vì những nỗ lực đối ngoại của ông trong những tháng đầu nhiệm kỳ, với hai "điểm sáng" là tăng cường hợp tác quốc tế và chống biến đổi khí hậu, cho thấy sự đối lập rõ ràng giữa ông và người tiền nhiệm Donald Trump.
Richard McGregor, thành viên cấp cao của Viện nghiên cứu Lowy của Australia, chấm điểm B+ cho Biden, ca ngợi những bước đi đầu tiên có tổ chức và táo bạo của chính quyền mới, nhưng thêm rằng nhiều thứ vẫn còn phụ thuộc vào hiệu quả của nền kinh tế Mỹ.
"Nếu nền kinh tế Mỹ không phục hồi, tôi nghĩ Mỹ sẽ không thể vực dậy chính sách đối ngoại của mình sau thời Trump", ông nói trong hội thảo trực tuyến về chính sách của Biden trong 100 ngày đầu tiên và tác động của chúng tới châu Á được Financial Times và Nikkei tổ chức ngày 13/4.
McGregor giải thích rằng khi Mỹ càng vững vàng về kinh tế, họ sẽ càng tự tin vào chính sách thương mại của mình, có khả năng mở cánh cửa cho các động thái lớn hơn như tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng 6,4% trong năm 2021 và 3,5% trong năm 2022.
"Mỹ dự kiến đạt mức tăng trưởng như trước đại dịch vào giữa năm nay, giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới hoạt động hết công suất", Tiwari nói. "Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc, điều này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng của châu Á".
Động lực phục hồi kinh tế Mỹ là các gói kích cầu hàng nghìn tỷ USD của chính quyền Biden, như gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD và hay đề xuất ngân sách hơn 2 nghìn tỷ USD cho cơ sở hạ tầng. Takehiko Nakao, chủ tịch Viện nghiên cứu Mizuho và cựu giám đốc Ngân hàng phát triển châu Á, nhận định các gói kích cầu này mang lại ý nghĩa to lớn.
Dù chi ngân sách khá mạnh tay với những đề xuất nghìn tỷ USD, Biden cũng lưu tâm tới trách nhiệm tài khóa và giải quyết vấn đề bất bình đẳng, với kế hoạch áp mức thuế toàn cầu tối thiểu để ngăn các công ty chuyển lợi nhuận tới các "thiên đường thuế". Nakao cho biết đề xuất này "không chỉ về tài chính mà còn đối phó với bất bình đẳng và duy trì công bằng xã hội".
Eriko Asai, chủ tịch tập đoàn GE Nhật Bản, cho rằng giới doanh nghiệp ủng hộ cam kết chống biến đổi khí hậu và tái tham gia Hiệp định Paris của Biden. Khi Tổng thống Mỹ đón tiếp Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga tại Washington cuối tuần này, bà bày tỏ hy vọng về "quan hệ đối tác Mỹ - Nhật lớn hơn" trong công nghệ liên quan tới năng lượng gió hay hiện đại hóa lưới điện.
Dù phần lớn ý kiến trong hội thảo đều đánh giá cao Tổng thống Biden, một số bày tỏ sự không hài lòng với tình trạng căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung. Các diễn giả này đánh giá cao lập trường cứng rắn của Nhà Trắng với vấn đề Trung Quốc, nhưng có sự đồng thuận lớn rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng đối với tương lai tăng trưởng của châu Á.
"Tôi nghĩ rõ ràng Mỹ không thể chấp nhận sự thay đổi trật tự quốc tế hiện nay, nhưng đồng thời sẽ không tốt nếu Mỹ tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc, cũng như tách Trung Quốc khỏi các nước khác", Nakao nói. "Nếu chúng ta làm vậy, sẽ không còn cơ hội thỏa thiệp".
McGregor bày tỏ quan điểm tích cực hơn về lập trường cứng rắn của Biden với Trung Quốc, đặc biệt là động thái ủng hộ Australia trước các biện pháp trừng phạt thương mại mà Bắc Kinh đã áp với Canberra năm ngoái. Ông cho biết "rất ngạc nhiên xen lẫn hài lòng" trước sự rõ ràng trong chính sách đối ngoại dưới thời Biden.
Tuy nhiên, McGregor cũng đồng tình rằng Trung Quốc "không thể bị loại khỏi quá trình toàn cầu hóa bởi nước này rõ ràng là trung tâm của nó".
Tommy Koh, chủ tịch hội đồng quản trị tại Trung tâm Luật Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng quan hệ Mỹ - Trung là mối quan hệ song phương quan trọng nhất hiện nay và điểm mấu chốt là Washington sẽ hợp tác với Bắc Kinh trong các lĩnh vực giao thoa lợi ích, như biến đổi khí hậu, đồng thời tiếp tục cạnh tranh trong những lĩnh vực xung đột lợi ích.
Thanh Tâm (Theo Nikkie Asia)