Trừng phạt được cho là công cụ đối ngoại ưa thích của Mỹ khi đối phó với những quốc gia không thể đáp trả họ một cách tương xứng. Trong nửa sau của thế kỷ 20, thời điểm sức mạnh kinh tế và quân sự của Washington áp đảo phần còn lại của thế giới, biện pháp này dường như đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, Brahma Chellaney, nhà địa chiến lược và là tác giả của nhiều cuốn sách về chính trị châu Á, chỉ ra rằng khi sự giàu có và quyền lực đang suy giảm, các biện pháp trừng phạt của Mỹ không còn "hợp thời", với hiệu quả không được chắc chắn, thậm chí tiềm ẩn hậu quả khôn lường.
"Trên thực tế, Washington đã tự bắn vào chân khi coi trừng phạt là phương án dễ dàng cho bất kỳ vấn đề nào. Thay vì trở thành một đòn đánh chí mạng, các lệnh trừng phạt của Mỹ giờ đây lại thường giúp thúc đẩy những lợi ích thương mại và chiến lược cho Trung Quốc, đối thủ chính của họ", Chellaney nhận định.
Ví dụ điển hình cho quan điểm này là thỏa thuận an ninh và kinh tế kéo dài 25 năm được ký gần đây giữa Trung Quốc và Iran. Những lệnh trừng phạt ngày càng khắc nghiệt của Washington đối với Tehran dường như đã khiến Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của quốc gia Trung Đông trong thập kỷ qua.
Giờ đây, với thỏa thuận mới, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư hơn nữa vào những lĩnh vực chính của Iran, tăng cường hợp tác quốc phòng và thành lập một ngân hàng chung cho phép Tehran vay và giao dịch bằng đồng nhân dân tệ, phù hợp với mục tiêu thúc đẩy thanh toán quốc tế bằng đồng tiền này của Bắc Kinh.
Việc Mỹ trừng phạt Iran còn có thể gây tổn hại các đồng minh của Washington như Ấn Độ và Nhật Bản. Do tuân thủ lệnh cấm vận dầu mỏ Iran từ Mỹ, Ấn Độ đã chịu tổn hại hàng tỷ USD chi phí nhập khẩu nhiên liệu. Nhiều công ty Nhật cũng buộc phải đình chỉ hợp đồng với các nhà cung cấp năng lượng Iran. Trong khi đó, Trung Quốc tăng cường mua dầu mỏ Iran với giá ưu đãi.
Theo Chellaney, hệ quả từ các biện pháp trừng phạt mà giới hoạch định chính sách Mỹ nên lo lắng nhất hiện nay là việc Nga đã xoay trục về phía Trung Quốc, biến hai đối thủ của Washington trở thành đối tác chiến lược thân thiết của nhau. Chuyên gia này cho rằng một chính quyền Mỹ nhìn xa trông rộng sẽ tránh đối đầu đồng thời với cả Nga và Trung Quốc, mà thay vào đó là tìm cách "đấu tay đôi".
Hồi đầu tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden áp đặt lệnh trừng phạt mới với Nga vì bắt nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny, sau đó tuyên bố Tổng thống Vladimir Putin sẽ phải "trả giá" vì "can thiệp bầu cử Mỹ", thậm chí gọi lãnh đạo Nga là "kẻ giết người" và đe dọa áp đặt các lệnh cấm vận mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, Washington vốn đã áp đặt rất nhiều lệnh trừng phạt với Moskva kể từ khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014, dẫn đến quan hệ tồi tệ nhất giữa hai quốc gia trong hàng chục năm qua. Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates gần đây cũng thừa nhận các biện pháp trừng phạt "sẽ không có tác dụng gì nhiều".
Trên thực tế, Chellaney đánh giá mối liên kết chiến lược ngày càng gần gũi giữa Nga và Trung Quốc tượng trưng cho thất bại sâu sắc của Mỹ về chính sách đối ngoại, phơi bày mặt trái của các lệnh trừng phạt.
"Mỹ có thể tìm cách tái cân bằng quan hệ với Nga bằng việc giảm nhiệt chính sách cứng rắn hiện nay. Tăng cường trừng phạt Moskva sẽ chỉ tiếp tay cho Bắc Kinh trong việc thách thức vị thế dẫn đầu toàn cầu của Washington", Chellaney nêu ý kiến.
Chuyên gia này còn chỉ ra một nghịch lý là Mỹ dường như lại đang "nhẹ tay" với Trung Quốc, như việc Tổng thống Biden không chỉ trích đích danh Chủ tịch Tập Cận Bình như với Tổng thống Nga. Lệnh trừng phạt của Washington vì vấn đề Hong Kong cũng không nhắm tới những quan chức thân cận với ông Tập.
Quan điểm cho rằng Mỹ lạm dụng các lệnh trừng phạt mà không đưa ra chính sách có tầm nhìn dài hạn được thể hiện trong trường hợp với Myanmar. Cuối năm 2019, Mỹ trừng phạt các tướng quân đội nước này với cáo buộc thảm sát người Hồi giáo thiểu số Rohingya, thay vì khắc phục thất bại trong việc thiết lập quan hệ tốt đẹp với quân đội Myanmar.
Lệnh trừng phạt của Washington được cho là đã "thổi bay" toàn bộ nỗ lực thuyết phục Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar hiện nay, ủng hộ quá trình dân chủ hóa. Tệ hơn nữa, sau khi ca ngợi Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, lãnh đạo chính quyền dân cử, Mỹ lại quay sang chỉ trích bà vì phớt lờ vấn đề với người Rohingya và quan hệ giữa bà với quân đội.
Chellaney cho rằng Mỹ đang có nguy cơ đi vào "vết xe đổ", với loạt biện pháp trừng phạt mới với Myanmar kể từ tháng 2, bao gồm lệnh đình chỉ quan hệ thương mại. Đây được coi là tin đáng mừng với Trung Quốc.
"Bước đầu tiên để giải quyết vấn đề là từ bỏ những biện pháp trừng phạt quá đà, đồng thời điều chỉnh lại việc trừng phạt, sao cho chúng không trở thành thứ hỗ trợ cho Trung Quốc", chuyên gia này nhận định.
Ánh Ngọc (Theo Nikkei)