Trái với dự báo của giới quan sát về các ứng viên sáng giá, Ủy ban Nobel Na Uy năm nay quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho Maria Ressa và Dmitry Muratov, hai nhà báo người Philippines và Nga, vì "nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận".
Với việc lựa chọn hai nhà báo có bề dày kinh nghiệm và nổi tiếng toàn cầu cho giải thưởng danh giá này, Ủy ban Nobel nhấn mạnh tự do ngôn luận "là điều kiện tiên quyết cho nền dân chủ và hòa bình lâu dài".
Maria Ressa sinh ngày 2/10/1963 ở thủ đô Manila, Philippines, nhưng chuyển đến Mỹ sống từ khi còn thơ ấu. "Tôi đáp xuống New Jersey, nơi tôi hầu như không thể nói tiếng Anh và tôi phải tìm hiểu xem một đứa trẻ da nâu lùn tịt sẽ làm gì trong thế giới da trắng rộng lớn này", bà từng chia sẻ như vậy với BBC.
Trong thời gian ở Mỹ, Ressa tập trung cho việc học tập và sau khi tốt nghiệp Đại học Princeton danh tiếng, bà trở về Philippines để "tìm lại nguồn cội" và dấn thân vào nghề báo.
Bà trở thành một trong những nhà báo nổi tiếng nhất nước này, từng dành hai thập kỷ làm việc với tư cách phóng viên điều tra hay trưởng văn phòng Manila và Jakarta của CNN. Bà sau đó làm trưởng ban tin tức của kênh truyền hình thời sự lớn nhất Philippines ABS-CBN.
Năm 2012, bà cùng ba nữ nhà báo khác quyết định cùng nhau thành lập nền tảng tin tức trực tuyến Rappler, hoạt động như một công ty khởi nghiệp về công nghệ, với một nhóm nhỏ gồm 12 phóng viên và kỹ sư phát triển phần mềm.
Được định hướng là một trang web dành cho độc giả trẻ tuổi, thông qua sức mạnh của mạng xã hội, Rappler đã phát triển nhanh chóng, trở thành trang tin tức lớn thứ tư Philippines với hơn 100 nhà báo. Rappler cũng làm công việc xác minh thông tin cho Facebook ở Philippines trong cuộc chiến chống tin giả.
Với vai trò đồng sáng lập Rappler, Ressa là một trong những tiếng nói nổi bật chỉ trích Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng như chiến dịch trấn áp ma túy cứng rắn của ông.
Sau khi lên nắm quyền tháng 5/2016, Tổng thống Duterte phát động cuộc chiến chống ma túy, cho phép cảnh sát bắn chết tại chỗ các nghi phạm mà không cần qua xét xử. Nhiều nhóm đấu tranh vì nhân quyền tin rằng số người chết trong chiến dịch chống ma túy của Duterte lên tới 27.000 người. Những vụ giết người không qua xét xử này vấp phải rất nhiều phản đối của dư luận, trong đó có tiếng nói mạnh mẽ của Rappler.
Vai trò của Ressa ở Rappler khiến danh tiếng của bà vang khắp thế giới. Bà nằm trong số các nhà báo được vinh danh là Nhân vật của Năm 2018 do tạp chí Time bình chọn, cũng như từng nhận rất nhiều giải thưởng báo chí danh giá khác.
Theo Ủy ban Nobel, Ressa và trang tin Rappler "cũng đã phơi bày cách thức mà các phương tiện truyền thông xã hội đang được sử dụng để lan truyền tin giả, quấy rối những phe phái đối lập và thao túng dư luận".
Với nhiều người, Ressa đã trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh cho tự do báo chí. Tuy nhiên, Tổng thống Duterte và những người ủng hộ ông cáo buộc bà tung tin giả thông qua trang tin Rappler.
Năm ngoái, Ressa bị tòa án Manila kết tội "phỉ báng trên không gian mạng" và đối mặt với mức án 6 năm tù, nhưng chưa bị bắt giam trong khi luật sư tiến hành thủ tục kháng cáo. Ressa phủ nhận mọi cáo buộc, cho rằng chúng bắt nguồn từ động cơ chính trị.
Ressa tuyên bố sẽ tiếp tục những gì đang làm với Rapper. Phát biểu sau khi bị kết án, bà kêu gọi mọi người tiếp tục đấu tranh cho tự do báo chí, khẳng định: "Nếu chúng ta thất bại, chúng ta sẽ không còn nền dân chủ nữa".
Trả lời phỏng vấn sau khi giải Nobel Hòa bình 2021 được công bố, Ressa khẳng định đây là phần thưởng cho cả tập thể Rappler. "Chúng tôi đã cùng nhau tuyên bố từ năm 2016 rằng chúng tôi sẽ chiến đấu cho sự thật", bà nói. "Khi chúng ta sống trong thế giới mà sự thật bị hoài nghi, khi những bên cung cấp thông tin lớn nhất thế giới ưu tiên đưa những điều đầy giận dữ và thù hận với tốc độ nhanh hơn, xa hơn sự thật, báo chí sẽ phải hành động".
"Trong cuộc chiến vì sự thật, tôi cho rằng Ủy ban Nobel nhận ra rằng một thế giới thiếu đi sự thật là một thế giới không có niềm tin và lẽ phải", Ressa nói thêm.
Giới quan sát đánh giá thành công của Rappler bắt nguồn chủ yếu từ Ressa.
"Đầu tiên, bà ấy không lùi bước, bà ấy không ngừng đấu tranh cho những gì mình tin tưởng. Bà ấy cũng có uy tín. Ressa đã ở trong thế giới báo chí hàng thập kỷ và làm rất tốt công việc của mình", Joi Barrios-LeBlanc, giảng viên Khoa nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học California ở Berkeley, nhận xét.
Phóng viên BBC Howard Johnson ở Manila mô tả bà là một diễn giả lôi cuốn với óc phân tích nhạy bén. Theo ông, Ressa có kỹ năng giải thích rõ ràng những diễn biến xã hội phức tạp cho khán giả, đặc biệt là về vấn đề mạng xã hội và ảnh hưởng của nó.
Về phần Dmitry Muratov, ông là một trong những nhà sáng lập tờ báo độc lập của Nga Novaya Gazeta vào năm 1993. Theo Ủy ban Nobel, "Novaya Gazeta là tờ báo độc lập nhất ở Nga ngày nay".
Sau khi giải thưởng được công bố, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã chúc mừng Muratov. "Ông ấy kiên trì làm việc theo lý tưởng riêng và cống hiến vì những điều đó. Ông ấy là người tài năng và dũng cảm", Peskov nói.
Muratov sinh ngày 30/10/1961 ở Kuibyshev, nay gọi là Samara, thành phố phía tây nam Nga. Ông theo học Khoa Ngữ văn tại Đại học Tổng hợp Lomonosov ở Moskva trong 5 năm và nhanh chóng nhận ra tình yêu dành cho báo chí. Trong thời gian học đại học, ông thường xuyên kết nối với các tờ báo địa phương và làm việc bán thời gian cho họ.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông phục vụ trong quân đội Liên Xô từ năm 1983 đến 1985. Năm 1987, Muratov bắt đầu làm phóng viên cho tờ Volzhsky Komsomolets và thể hiện được năng lực bản thân tại tòa soạn báo này. Cấp trên ấn tượng với Muratov đến mức chỉ trong chưa đầy một năm làm việc tại đây, ông đã được bổ nhiệm làm trưởng ban Thanh niên Komsomolskaya Pravda, sau đó được thăng chức lên làm trưởng ban biên tập.
Trong thời gian làm việc tại báo Novaya Gazette, Muratov thường đưa tin về các chủ đề nhạy cảm như vi phạm nhân quyền, tham nhũng trong các quan chức chính phủ hay hành vi lạm dụng quyền lực. Ủy ban Bảo vệ Nhà báo gọi Novaya Gazette là "tờ báo phê bình thực sự duy nhất có ảnh hưởng tại Nga ngày nay".
Năm 2007, ông giành giải Tự do Báo chí Quốc tế do Ủy ban Bảo vệ Nhà báo trao tặng. Giải thưởng được trao cho những nhà báo đã thể hiện tinh thần dũng cảm trong nỗ lực bảo vệ quyền tự do báo chí khi đối mặt với những mối đe dọa.
Năm 2010, ông nhận huân chương Bắc đẩu Bội tinh của nhà nước Pháp, sau đó thay mặt Novaya Gazeta nhận giải thưởng Tứ Tự do, hạng mục Tự do Ngôn luận ở Middelburg, Hà Lan.
Trong thông báo trao giải Nobel Hòa bình hôm nay, Ủy ban Nobel mô tả Muratov là người luôn "kiên định bảo vệ quyền của nhà báo được đưa tin về bất cứ thứ gì họ muốn, miễn là tuân thủ các tiêu chuẩn nghề nghiệp và đạo đức báo chí".
"Nếu không có tự do ngôn luận và tự do báo chí, sẽ rất khó thúc đẩy tình hữu hảo giữa các quốc gia, giải trừ quân bị và kiến tạo một trật tự thế giới tốt hơn để thành công trong thời đại của chúng ta", thông báo từ Ủy ban Nobel có đoạn.
Vũ Hoàng (Theo Guardian, BBC)