Tự do ngôn luận "là điều kiện tiên quyết cho nền dân chủ và hòa bình lâu dài", Ủy ban Nobel Na Uy ra tuyên bố hôm nay, khi trao giải Nobel Hòa bình cho nhà báo Philippines Maria Ressa và nhà báo Nga Dmitry Muratov.
Ressa và Muratov được trao giải thưởng "vì sự đấu tranh dũng cảm cho tự do ngôn luận ở Philippines và Nga. Đồng thời, họ là đại diện của tất cả nhà báo đứng lên vì lý tưởng này trong một thế giới mà dân chủ và tự do báo chí phải đối mặt với những điều kiện ngày càng bất lợi", Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen nói trong cuộc họp báo tại Oslo.
Nữ nhà báo Maria Ressa là người đồng sáng lập hãng tin chuyên điều tra Rappler. Bà được khen ngợi làm việc không mệt mỏi để đấu tranh trước tình trạng tham nhũng và lạm quyền ở Philippines. Bà Ressa cùng tờ Rappler cũng chỉ ra cách mạng xã hội được dùng để lan truyền tin giả và hạ thấp uy tín đối thủ.
Ressa, 58 tuổi, cho biết bà "bị sốc" và "choáng váng" với thông tin được trao giải Nobel Hòa bình 2021, cho rằng đây là giải thưởng dành cho các phóng viên, biên tập viên của Rappler, những người đã đấu tranh cho sự thật từ năm 2016.
"Trong cuộc chiến vì sự thật, tôi cho rằng Ủy ban Nobel nhận ra rằng một thế giới thiếu đi sự thật là một thế giới không có niềm tin và lẽ phải", bà nói.
Dmitry Muratov, 59 tuổi, là một trong những người sáng lập ra tờ Novaya Gazeta ở Nga, thường xuyên đưa ra các quan điểm phê bình trên nhiều khía cạnh khác nhau. Muratov được khen ngợi đấu tranh vì tự do ngôn luận, luôn bảo vệ các nhà báo được viết bất cứ điều gì, miễn là tuân thủ tiêu chuẩn nghề nghiệp và đạo đức báo chí.
"Giải thưởng này không phải cho tôi, mà cho cả tập thể Novaya Gazeta, cho những người đã ngã xuống để bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Giờ đây họ không còn bên chúng tôi nữa, nên Ủy ban Nobel có lẽ đã quyết định để tôi nói điều đó với mọi người", Muratov nói sau khi được thông báo về giải thưởng.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov sau đó chúc mừng Muratov, khẳng định ông đã "kiên trì làm việc theo lý tưởng riêng và cống hiến vì những điều đó. Ông ấy là người tài năng và dũng cảm".
Ủy ban Nobel Na Uy hàng năm trao giải Nobel Hòa bình cho cá nhân hoặc tổ chức vì nỗ lực và hành động xuất sắc trong thúc đẩy hòa bình thế giới. 329 ứng viên được đề cử giải Nobel Hòa bình năm nay, gồm 234 cá nhân và 95 tổ chức. Giải thưởng cho người đoạt Nobel Hòa bình bao gồm một huy chương vàng, bằng chứng nhận và một tấm séc trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (1,1 triệu USD).
Khi Alfred Nobel qua đời năm 1896, ông để lại khoản tài sản khổng lồ và muốn dùng một phần số tiền này để trao giải "cho những người mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại trong một năm trước".
Di chúc của Nobel cho biết giải thưởng sẽ trao cho các lĩnh vực vật lý, hóa học, y học hoặc sinh lý học, văn học và hòa bình. Giải Nobel Hòa bình nên trao cho "những người đóng góp nhiều nhất hoặc thực hiện công việc tốt nhất nhằm thắt chặt tình bằng hữu giữa các quốc gia, bãi bỏ hoặc cắt giảm quân đội thường trực hoặc xúc tiến các hội nghị hòa bình", di chúc có đoạn.
Giải Nobel Hòa bình sẽ được trao cho người đoạt giải vào ngày 10/12, kỷ niệm ngày mất của Alfred Nobel. Đây là lần đầu tiên các nhà báo nhận được giải thưởng danh giá này từ sau năm 1935, khi nhà báo Đức Carl von Ossietzky được tôn vinh vì tiết lộ chương trình tái vũ trang bí mật của đất nước sau chiến tranh.
Ngọc Ánh (Theo NBC)