Mỹ hiện cấm nhập khẩu bất cứ mặt hàng nào nếu có bằng chứng cho thấy quá trình sản xuất chúng liên quan đến lao động cưỡng bức. Tuy nhiên, dự luật hạ viện thông qua hôm 22/9, có tên Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ, quy định cấm nhập hàng hóa được sản xuất toàn bộ hoặc một phần tại Tân Cương, trừ khi chính phủ Mỹ tìm thấy bằng chứng "rõ ràng và thuyết phục" rằng chúng không được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.
"Chúng ta phải làm sáng tỏ hành vi cưỡng bức lao động vô nhân đạo, bắt những người gây ra chúng chịu trách nhiệm và chấm dứt tình trạng bóc lột này. Chúng ta phải gửi một thông điệp rõ ràng đến Bắc Kinh, rằng những hành vi lạm dụng phải chấm dứt ngay bây giờ", Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phát biểu.
Dự luật đang chờ được bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ. Sự khác biệt về các điều khoản giữa Hạ viện và Thượng viện cần được thảo luận thống nhất, trước khi đưa tới Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump xem xét.
Đây là động thái mới nhất của các nghị sĩ Mỹ nhằm gây áp lực lên Trung Quốc về chính sách tại Tân Cương. Bắc Kinh bị cáo buộc kiểm soát nghiêm ngặt người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác trong những trại tập trung, nhưng nước này khẳng định đây là "trung tâm đào tạo nghề" nhằm chống lại mối đe dọa từ chủ nghĩa tôn giáo cực đoan.
Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) hôm 14/9 cũng công bố hạn chế mới đối với các sản phẩm bông và quần áo từ Tân Cương do lo ngại "lao động cưỡng bức". Thông báo được đưa ra dưới dạng Lệnh hủy bỏ (WRO), không phải lệnh cấm nhập khẩu. Tuy nhiên, hàng hóa thuộc dạng WRO sẽ bị trả về hoặc tiêu hủy nếu CBP xác định chúng được sản xuất bởi lao động bị cưỡng bức.
Trong khi đó, Bắc Kinh kiên quyết phủ nhận những nghi ngờ. "Chúng tôi kiên quyết chống lại lao động cưỡng bức và xóa bỏ chúng dưới mọi hình thức", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phát biểu trong cuộc họp báo hôm 21/9. Trung Quốc tuần trước cũng công bố sách trắng về Tân Cương, ca ngợi thành công của các chương trình dạy nghề và việc làm trong khu vực.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)