Hãng thời trang Thụy Điển H&M hôm 15/9 khẳng định họ không làm ăn với bất cứ nhà máy may mặc nào trong khu vực và sẽ không còn lấy nguồn cung cấp bông từ Tân Cương, nơi trồng bông lớn nhất Trung Quốc.
"Dù không có dấu hiệu cho thấy lao động cưỡng bức ở nhà máy Thượng Ngu, chúng tôi vẫn quyết định cho tới khi chúng tôi hiểu rõ hơn về các cáo buộc lao động cưỡng bức, chúng tôi sẽ chấm dứt quan hệ kinh doanh gián tiếp với Huafu Fashion ở mọi cơ sở, trong thời gian 12 tháng", H&M cho biết.
Một nhà máy sản xuất sợi nhuộm Huafu ở tỉnh An Huy trước đó bị cáo buộc cưỡng bức lao động, song H&M cho biết họ chưa từng quan hệ với nhà máy ở An Huy cũng như các hoạt động của Huafu ở Tân Cương. H&M cho biết họ chỉ có "quan hệ kinh doanh gián tiếp" với một nhà máy của Huafu Fashion ở Thượng Ngu, tỉnh Chiết Giang.
H&M cho biết thêm họ đã tiến hành điều tra tại tất cả các nhà máy sản xuất hàng may mặc mà họ làm ăn cùng ở Trung Quốc, để đảm bảo không có tình trạng lao động cưỡng bức.
Động thái của H&M được đưa ra sau khi Mỹ công bố hạn chế mới đối với các sản phẩm gồm bông và quần áo từ Tân Cương, Trung Quốc, do lo ngại về lao động cưỡng bức. Bắc Kinh ngay lập tức gọi hạn chế của Mỹ là hành vi "bắt nạt" và khẳng định cáo buộc lao động cưỡng bức là "bịa đặt".
Ngọc Ánh (Theo AFP)