Quốc hội Anh hôm 21/4 kêu gọi chính phủ hành động để chấm dứt cái mà các nhà lập pháp gọi là diệt chủng tại khu vực Tân Cương, Trung Quốc nhằm gia tăng áp lực buộc các bộ trưởng phải lên án Bắc Kinh mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson một lần nữa tránh nhắc tới diệt chủng, chỉ gọi đó là vi phạm nhân quyền "quy mô lớn" chống lại cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Các bộ trưởng cho hay bất kỳ quyết định về việc tuyên bố tội ác diệt chủng đều phụ thuộc vào tòa án.
Chính phủ Anh đã áp lệnh trừng phạt lên một số quan chức Trung Quốc, ban sắc lệnh ngăn chặn hàng hóa xuất xứ từ khu vực này gia nhập chuỗi cung ứng, nhưng đa số các nhà lập pháp muốn chính phủ đi xa hơn.
Họ ủng hộ một kiến nghị do nghị sĩ đảng Bảo thủ Nusrat Ghani đưa ra, trong đó tuyên bố người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đang là nạn nhân của tội ác chống lại loài người và diệt chủng, đồng thời kêu gọi chính phủ sử dụng luật pháp quốc tế để chấm dứt.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh lập tức lên án động thái của quốc hội Anh, kêu gọi Anh tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và "lập tức sửa chữa những động thái sai lầm của mình".
"Lời cáo buộc vô căn cứ của một nhóm nghị sĩ Anh rằng có 'nạn diệt chủng' ở Tân Cương là lời dối trá phi lý nhất trong thế kỷ này, là sự xúc phạm quá đáng và làm mích lòng người dân Trung Quốc, đồng thời vi phạm hoàn toàn luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế", đại sứ quán Trung Quốc tại Anh tuyên bố hôm 23/4.
Nigel Adams, bộ trưởng phụ trách châu Á, một lần nữa đưa ra quan điểm của chính phủ trước quốc hội, rằng bất kỳ quyết định nào về việc gọi các vụ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương là diệt chủng, đều phụ thuộc thẩm quyền của tòa án.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)