Đợt vừa rồi tôi đi một loạt tỉnh Tây Bắc, thấy chỗ nào cũng phân lô bán nền. Đâu đâu cũng nhìn thấy các khu nền đô thị rộng ngút tầm mắt, và đều giống nhau ở hai điểm là không có người ở và giá cả trên trời.
Rất nhiều người trong chúng ta do nghèo nên cảm thấy chuyện này không liên quan tới mình. Nhưng nghĩ như vậy là sai vì chi phí bất động sản là chi phí đầu vào của tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, và dịch vụ.
Giá bất động sản quá cao gây vấn đề rất lớn cho nền kinh tế, nó là thứ thuế đánh trực tiếp vào tất cả mọi người.
Đáng lẽ ra chúng ta chỉ tốn 10 nghìn đồng để gửi một chiếc xe, nhưng thực tế chúng ta phải chi 30 nghìn đồng vì giá thuê bãi gửi xe cao. Có nghĩa là mỗi khi gửi một chiếc xe chúng ta đã phải trả thêm 20 nghìn đồng do bất động sản quá đắt.
Đáng lẽ ra chúng ta chỉ tốn 5 nghìn đồng cho một mớ rau, nhưng thực tế ta phải mua với giá 10 nghìn đồng vì bà bán rau phải thuê chỗ ngồi bán hàng với giá rất đắt. Có nghĩa là mỗi khi mua một mớ rau chúng ta đã phải trả thêm 5 nghìn đồng do bất động sản quá đắt.
>> Cơ hội mua nhà của bạn khi đất Thủ Thiêm '2,4 tỷ đồng một m2'
Đáng lẽ ra mỗi tháng tôi chỉ phải chi ra 5 triệu tiền học cho con ở trường mẫu giáo, nhưng thực tế phải trả tới 10 triệu vì giá thuê căn biệt thự để mở trường mẫu giáo quá đắt. Tức là mỗi tháng phải trả thêm 5 triệu cho việc tăng giá bất động sản.
Tóm lại mỗi khi chúng ta trả tiền cho một món hàng hóa hay dịch vụ nào đó thì một phần không nhỏ trong số đó là chi phí bất động sản, bất kể chúng ta có tham gia kinh doanh bất động sản hay không.
Giá bất động tại Việt Nam hiện nay đã lên đến mức phi lý khiến cho một người lao động bình thường đi làm quần quật hai chục năm cũng không thể mua nổi một căn hộ chung cư giản dị với diện tích khoảng 50 m2.
Liệu chúng ta còn có thể chấp nhận được sự bất hợp lý này bao nhiêu lâu nữa? Đến bao giờ cơ quan chức năng mới thực sự ra tay?
Nguyễn Thành Nam
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.