Năm 1901, một trong những mỏ dầu lớn nhất thế giới được phát hiện tại Spindletop, Texas. Standard Oil, công ty dầu độc quyền hàng đầu thế giới, đã quyết định không tham gia đầu tư. Sau một thập kỷ bị chia tách trong vụ kiện chống độc quyền, Standard Oil lúc bấy giờ buộc phải bằng lòng ngồi lại và để cho các đối thủ chia nhau khai thác giếng dầu.
Sự kiện từ thế kỷ trước chứa nhiều điểm tương đồng với thỏa thuận mà Google đang cố gắng đạt được với News Corp và các nhà xuất bản Australia gần đây. "Gã khổng lồ tìm kiếm" dường như cũng đang thúc đẩy tiến độ các thương vụ này trước khi dự luật được thông qua, khiến khả năng thương lượng với các hãng tin sẽ khó khăn hơn. Trong khi đó, Facebook lựa chọn hướng tiếp cận cực đoan khi chặn mọi nguồn tin từ các hãng tin tức của Australia.
Tỷ phú Rockefeller không quan tâm nguồn gốc dầu ở đâu, miễn là ông nắm quyền kiểm soát về đường ống dẫn dầu, tinh chế và phân phối nó. Google hiện cũng có chiến lược tương tự. Bằng cách trợ cấp cho các nhà xuất bản, vốn những đối thủ hàng đầu trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, Google có thể dễ dàng kiểm soát và phân phối thông tin trực tuyến của cả thế giới. Facebook, dù từ chối thỏa hiệp, cuối cùng vẫn đang nỗ lực hướng tới mục tiêu tương tự.
30 triệu đôla Australia mỗi năm được cho là số tiền Google đồng ý trả cho Nine Entertainment, công ty sở hữu hai tờ báo Sydney Morning Herald và The Age, để được sử dụng nội dung trên nền tảng của mình. Con số này là quá nhỏ so với thị trường quảng cáo kỹ thuật số trị giá khoảng 10 tỷ đôla Australia.
Cốt lõi của dự luật mà Quốc hội Australia đang cân nhắc chính là tạo một sân chơi bình đẳng. Google và Facebook hiện không chỉ là đối thủ với các hãng tin trên thị trường quảng cáo số, mà còn là bên định hướng truy cập khi không ít độc giả đọc một bài báo qua đường link của Google hoặc Facebook.
Theo các quy định mới của dự luật, các nhà xuất bản sẽ được phép thương lượng với tư cách là một nhóm thay vì riêng lẻ với các nền tảng kỹ thuật số. Nếu hai bên không thể đi đến thỏa thuận về việc phân chia doanh thu, họ sẽ bị buộc phải tham gia vào một quy trình phân xử mà ở đó một ủy ban do chính phủ Australia thành lập sẽ xem xét ý kiến của mỗi bên, sau đó đưa ra quyết định phù hợp. Dự luật đã được Hạ viện thông qua trong tuần này và đang được trình lên Thượng viện.
Ngược lại với chiến lược gay gắt chặn mọi nguồn tin ở Australia của Facebook, Google lại sẵn sàng chi một số tiền nhỏ cho một số tổ chức báo chí nhằm đảm bảo mình không vướng vào các vụ đàm phán phức tạp hay buộc phải thiết lập một tiêu chuẩn mới cho nội dung.
Đây có vẻ chỉ là một vụ việc nhỏ mang tính địa phương ở một quốc gia xa xôi, nhưng nếu thực sự các hãng công nghệ như Google hay Facebook sẵn sàng nhường nhịn, đó có thể là dấu hiệu cho một tham vọng mới trên quy mô toàn cầu.
Bằng cách hy sinh mỏ dầu ở Texas, Standard Oil từng thành công trong việc giữ vị trí độc quyền của mình trong ngành dầu mỏ. Tương tự bằng cách nhượng bộ trong cuộc chiến với chính quyền Australia, Google và Facebook sẽ có thể tập trung nỗ lực vào việc duy trì vị thế độc quyền ở các thị trường lớn hơn, với lượng thông tin và dữ liệu người sử dụng có giá trị cao hơn.
Đăng Thiên (theo Bloomberg)