Phát biểu vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Hong Kong không còn được hưởng các đặc quyền kinh tế và một số quan chức phải đối mặt với lệnh trừng phạt, người đứng đầu cơ quan an ninh Hong Kong John Lee hôm nay nói với các phóng viên rằng chính quyền Hong Kong không thể bị đe dọa và sẽ thúc đẩy các luật mới.
"Tôi không nghĩ họ sẽ thành công trong việc sử dụng bất kỳ biện pháp nào để đe dọa chính quyền Hong Kong, vì chúng tôi tin rằng chúng tôi đang làm đúng", Lee nói.
Người đứng đầu cơ quan tư pháp Hong Kong Teresa Cheng tuyên bố cơ sở cho các hành động của Trump là "hoàn toàn sai" và luật an ninh do Trung Quốc đại lục đề xuất là hợp pháp và cần thiết.
Phát biểu tại cuộc họp ở Nhà Trắng hôm 29/5, Trump nói chính phủ Trung Quốc "đã làm xói mòn tình trạng lâu đời và rất đáng tự hào" của Hong Kong và ông đang chỉ đạo chính quyền bắt đầu quá trình loại bỏ các chính sách đã giúp Hong Kong được đối xử đặc biệt.
"Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhiều thỏa thuận, từ hiệp ước dẫn độ cho tới kiểm soát xuất khẩu với các công nghệ lưỡng dụng và hơn thế nữa, chỉ có một vài ngoại lệ", Tổng thống Mỹ nói, thêm rằng Washington cũng sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân được coi là chịu trách nhiệm bóp nghẹt tự do của Hong Kong.
Trump nói rằng động thái của Trung Quốc là một thảm kịch đối với thế giới, nhưng không nêu thời gian cụ thể cho các biện pháp đáp trả, khiến người dân, doanh nghiệp và quan chức Hong Kong phải phỏng đoán về việc chính quyền Trump sẽ tiến bao xa.
Phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong nói rằng hôm nay đánh dấu một ngày buồn cho thành phố tự do nhất của Trung Quốc. Tờ Global Times, ấn phẩm của People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, gọi quyết định của Trump là bước đi "liều lĩnh tùy tiện".
Quốc hội Trung Quốc hôm 28/5 thông qua "Nghị quyết về Thiết lập, Cải thiện Hệ thống Pháp luật và Cơ chế thực thi cho Đặc khu hành chính Hong Kong để Bảo đảm An ninh", mở đường cho việc ban hành luật an ninh ở Hong Kong. Luật mới sẽ cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố, can thiệp nước ngoài ở Hong Kong và có thể cho phép các cơ quan an ninh và tình báo của Trung Quốc đại lục thiết lập cơ sở trong đặc khu.
Mỹ, Anh, Canada và Australia ra nghị quyết chung bày tỏ quan ngại sâu sắc. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói nước này có thể cấp quốc tịch cho người Hong Kong sở hữu hộ chiếu hải ngoại (BNO), nếu Trung Quốc không rút luật an ninh mới.
Giới chức nhiều nước bày tỏ quan ngại về dự luật an ninh Hong Kong, cảnh báo nguy cơ làm suy yếu nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định luật an ninh Hong Kong giúp duy trì vững chắc nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" cùng ổn định lâu dài và thịnh vượng của đặc khu.
Chính quyền Hong Kong có lịch sử hợp tác lâu dài với Mỹ về thương mại, chống khủng bố và rửa tiền. Hơn 1.300 công ty Mỹ có văn phòng tại Hong Kong và cung cấp khoảng 100.000 việc làm. Trong thập kỷ qua, thặng dư thương mại của Mỹ với Hong Kong là lớn nhất trong số tất cả các đối tác thương mại của Washington, với tổng trị giá 297 tỷ USD từ năm 2009 đến 2018.
Huyền Lê (Theo Reuters)