Mỹ không kích một đoàn xe gần sân bay Baghdad, Iraq rạng sáng 3/1 khiến chỉ huy đặc nhiệm Iran Quds Qassem Soleimani cùng chỉ huy dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis thiệt mạng. Lầu Năm Góc xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho quân đội Mỹ "tiêu diệt" tướng Iran.
Iraq, quốc gia đồng minh với Mỹ ở Trung Đông, đã lên tiếng chỉ trích cuộc không kích của Mỹ trên lãnh thổ nước này là "hành vi gây hấn chống lại đất nước, chính phủ và người dân Iraq". Thủ tướng Abdul Mahdi hôm nay ra tuyên bố cho biết việc thủ tiêu những người nắm vị trí quan trọng tại Iraq và "một quốc gia anh em" trên lãnh thổ nước này là "sự vi phạm chủ quyền nghiêm trọng".
Syria lên án mạnh mẽ và gọi vụ không kích của Mỹ là "hành động xâm lược vô đạo đức", cảnh báo tình hình trong khu vực "leo thang nguy hiểm". Bộ Ngoại giao Syria cho rằng cuộc tấn công tái khẳng định Mỹ chịu trách nhiệm đối với tình hình bất ổn của Iraq và "là một phần trong chính sách của họ nhằm tạo ra căng thẳng cùng kích động xung đột tại các quốc gia trong khu vực".
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rút ngắn chuyến thăm Hy Lạp và trở về nước để theo dõi tình hình sau vụ không kích. Quân đội Israel buộc một khu nghỉ mát trượt tuyết tại núi Hermon trên Cao nguyên Golan đóng cửa và chưa có biện pháp phòng ngừa khác.
Lãnh đạo đảng đối lập Xanh và Trắng của Israel Yair Lapid nói cái chết của tướng Soleimani "là những gì ông ta phải nhận". Israel coi tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds là mối đe dọa hàng đầu, cáo buộc ông đứng đầu mạng lưới kẻ thù trong đó có nhóm dân quân Hezbollah tại Lebanon. Quân đội Israel đã nhiều lần tấn công lực lượng Quds ở Syria và được cho là đã từng tìm cách ám sát Soleimani.
Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ quan ngại sau vụ không kích khiến tướng Soleimani thiệt mạng. Một quan chức ngoại giao Nga nói nước này coi "việc sát hại tướng Soleimani là bước đi phiêu lưu" của Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev nói vụ không kích của Mỹ là sai lầm "dập tắt hy vọng cuối cùng về việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Iran" và có thể gây ra hậu quả. "Iran có thể tăng tốc chế tạo vũ khí hạt nhân ngay lúc này dù trước đây họ không có kế hoạch làm điều đó", Kosachev nói.
Trung Quốc bày tỏ quan ngại và "kêu gọi các bên, đặc biệt là Mỹ, bình tĩnh và kiềm chế", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói trong buổi họp báo tại Bắc Kinh ngày 3/1. "Trung Quốc phản đối sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và gây leo thang căng thẳng trong khu vực", ông Cảnh cho biết.
Pháp là nước châu Âu đầu tiên lên tiếng về vụ không kích khiến tướng Suleimani thiệt mạng. "Chúng ta đang đối mặt với một thế giới nguy hiểm hơn. Leo thang quân sự đang diễn ra và luôn nguy hiểm", Thứ trưởng Ngoại giao Pháp Amelie de Montchalin nói trên đài phát thanh RTL.
Montchalin cho biết các nỗ lực hòa giải khẩn cấp đang được thực hiện. "Tổng thống Emmanuel Macron và Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đã tiếp cận với các bên trong khu vực", Montchalin nói.
Chính phủ Anh thúc giục các bên thận trọng và cho biết "xung đột leo thang không mang lại lợi ích cho chúng tôi". Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ra tuyên bố thừa nhận "mối đe dọa từ lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran do Qasem Soleimani lãnh đạo", song không bày tỏ ủng hộ hay phản đối cuộc không kích của Mỹ.
Đức cho biết tình hình Trung Đông "leo thang nguy hiểm" và kêu gọi giải quyết các xung đột trong khu vực bằng biện pháp ngoại giao. "Vụ không kích của Mỹ là phản ứng với một loạt hành động khiêu khích quân sự của Iran như vụ tấn công hai cơ sở dầu khí của Arab Saudi và các tàu chở dầu trong khu vực", phát ngôn viên chính phủ Đức Ulrike Demmer nói.
Sau cái chết của Soleimani, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết sự việc khiến nước này càng quyết tâm chống lại "chủ nghĩa bành trướng của Mỹ và bảo vệ các giá trị Hồi giáo", đồng thời khẳng định sẽ "báo thù" cho Soleimani. Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad đã kêu gọi công dân nước này rời khỏi Iraq "ngay lập tức", trong khi quân đội Mỹ dường như đã chuyển sang trạng thái báo động cao để đối phó với các mối đe dọa tại Trung Đông.
Nguyễn Tiến (Theo EuroNews)