Trường đại học xưa nay vẫn luôn được xem là thánh đường của tri thức, là nơi ươm mầm cho những thành tựu khoa học. Cùng với sự tiến bộ của xã hội, vai trò của trường đại học cũng ngày càng được mở rộng hơn.
Thay vì chỉ tập trung vào các hoạt động dạy học, nghiên cứu truyền thống, các trường đại học dần trở thành một mắc xích quan trọng của bốn cột trụ phát triển bền vững ở mỗi quốc gia, khu vực và cả thế giới: Nhà nước – Trường Đại học – Doanh nghiệp – Cộng đồng.
Không chỉ được nhấn mạnh trong các cuộc thảo luận chính thức, vai trò của trường đại học vẫn luôn hiện hữu bên mâm cơm, câu chuyện trà nước của mỗi gia đình, làng xóm, khối phố. Các cháu học sinh lớp 12 đạt học sinh giỏi được cả khu phố khen thưởng. Nhà có con đỗ đại học là cả xóm cùng mừng. Bố mẹ dù có vất vả đến đâu cũng chỉ mong con được vào Đại học để sau này có công việc ổn định. Những sinh viên từ nông thôn lên thành phố học mang cả giấc mơ, mồ hôi, công sức, kỳ vọng của cả gia đình.
>> Gian lận thi cử vì muốn 'học đại học để làm quan'
Tất cả những điều tốt đẹp ấy, một mặt, đã tạo nên những niềm tin, giá trị và nền móng vững chắc cho các trường đại học. Nhưng việc xã hội hóa giáo dục ở khía cạnh nào đó đã tăng thêm nồng độ cồn cho những mộng tưởng làm giàu thông qua các cách kiếm tiền rất phản giáo dục.
Thay vì kiên nhẫn vun đắp những giá trị căn bản, bất biến và bền vững, họ vội vã xây dựng những khu học xá, đánh bóng bản thân bằng những danh hiệu được ‘trộm long tráo phụng’. Và nguy hiểm hơn cả, họ dồn hết tốc lực để đóng gói giáo dục thành những quy trình sản xuất công nghiệp hàng loạt mà không cần thông qua kiểm chứng.
Trước, trong và sau khi kỳ thi tốt nghiệp cấp 3, các bậc phụ huynh và các em học sinh đã rơi vào mê hồn trận của các gói sản phẩm giáo dục công nghiệp này. Đội ngũ bán hàng, marketing và chăm sóc khách hàng của các đơn vị kinh doanh giáo dục được giao chỉ tiêu, huấn luyện và đánh giá thành tích dựa trên việc thu hút khách hàng và bán được càng nhiều sản phẩm giáo dục càng tốt.
Khi áp lực ngày càng tăng thì đội ngũ này bạo dạn phá rào các quy định của Bộ Giáo dục, thực hiện những phương thức cạnh tranh không lành mạnh và sẵn sàng hạ bệ những trường khác để gia tăng vị thế của mình. Nếu như những cách làm thị trường trên đáng bị lên án, cần những qui định nghiêm ngặt và các chế tài khắc khe hơn từ các Bộ, Ban ngành liên quan thì chính các trường Đại học truyền thống cũng cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ và thúc đẩy qui trình hiện đại hóa trong Giáo dục Đại học.
>> Không công khai thí sinh hưởng lợi từ gian lận điểm thi - nhân văn cho ai?
Đơn cử việc lấy người học làm trung tâm không chỉ giới hạn trong việc dạy và học mà còn ở các dịch vụ, hoạt động hỗ trợ liên quan. Mối liên hệ đối tác chiến lược với các doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức chính quyền trong các hoạt động xây dựng chương trình học mang tính ứng dụng, thiết kế các hoạt động trải nghiệm thực tế, các dự án hợp tác liên ngành, các vườn ươm tạo và hoạt động khởi nghiệp sẽ giúp sinh viên bắt nhịp nhanh với sự phát triển và chuyển dịch của thị trường lao động.
Ngoài ra, việc kiến tạo tri thức nên bắt đầu từ không gian lớp học và lan tỏa đến toàn thể xã hội bằng cách gắn liền việc đánh giá với các chương trình, kế hoạch hành động vì cộng đồng của sinh viên. Thêm vào đó, những cánh cửa bước ra quốc tế thông qua các chương trình trao đổi sinh viên, liên kết đào tạo với các trường Đại học uy tín trên thế giới và định hướng "Đi để trở về và đem lại những chuyển biến tích cực" sẽ rất thiết thực để phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong tương lai.
>> Tôi phải làm gì để cùng con đối phó áp lực luyện thi hai năm tới?
Sự tích cực và chủ động của chính đội ngũ giảng viên – những đại diện tiêu biểu cho tầng lớp nhân sĩ, trí thức – cũng là yếu tố giúp bảo vệ những đức tin gắn liền với giảng đường đại học. Chính tầm nhìn, giá trị và định hướng sư phạm của mỗi thầy cô sẽ vun đắp nhân sinh quan, phong cách sống và nguồn cảm hứng để phấn đấu và phát huy năng lực tiềm ẩn của mỗi sinh viên vào lĩnh vực và bối cảnh phù hợp nhất với mình.
Với những nỗ lực tích hợp và đồng bộ từ nhiều cấp như vậy, tháp ngà của chúng ta sẽ không bị hoen ố, cũng không trở nên cô lập hay xa cách. Mà trong lòng của mỗi chúng ta, đều có một tháp ngà tri thức chân chính và không lay chuyển.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Trần Thị Hằng