Gia đình chị Thuận (ngụ Bình Phước) có con trai hai tháng tuổi bị sốt, quấy khóc, không chịu bú, co giật. Bé được điều trị tại bệnh viện tuyến địa phương song có tình trạng nặng, tụ mủ dưới màng cứng, tiếp tục chuyển điều trị và phẫu thuật tại một bệnh viện tại TP HCM. Bé chưa tiêm vaccine phòng bệnh.
Một số bệnh viện nhi tại TP HCM trong tháng 12/2023 thống kê số trẻ mắc viêm màng não có xu hướng tăng vào cuối năm. TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, cho biết trung bình mỗi ngày, khoa điều trị có khoảng 15-20 ca viêm màng não và viêm não (gồm bệnh nhân mới nhập viện và đã nằm từ trước), tập trung ở trẻ dưới 2 tuổi. Viêm não gặp ở trẻ trên 10 tuổi. Đa số trẻ có tham gia chủng ngừa cộng đồng nhưng chưa đủ phác đồ.
Trang Thông tin Chính phủ TP HCM dẫn thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết từ tháng 10-12/2023, số ca mắc viêm màng não tăng cao, mỗi ngày viện điều trị 20-25 ca bệnh. Trong khi đó, tháng 8-9, viện ghi nhận trung bình 10-12 bệnh nhi viêm màng não mỗi ngày. Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy, điều trị kháng sinh và phẫu thuật lấy mủ tụ dưới màng cứng của não nhiều lần.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP HCM, cho biết viêm màng não ít khi tăng rầm rộ như các bệnh hô hấp, song mức độ tăng ít cũng gây nguy hiểm cho trẻ. Não bị viêm có thể ảnh hưởng, gây suy hô hấp hoặc sốc nhiễm trùng, di chứng để lại nhiều như sống thực vật, phụ thuộc người khác, giảm thính lực, điếc... Bệnh có tính chất nặng nề, có thể gây tử vong nhanh, cần can thiệp sớm.
Có nhiều tác nhân gây viêm màng não, thường gặp gồm Haemophilus influenzae tuýp B (vi khuẩn Hib), Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn), Neisseria meningitis (não mô cầu khuẩn), Eschericiae coli (E.coli)...
Theo bác sĩ Khanh, bệnh thường xuất hiện vào mùa lạnh ở miền Bắc và thời điểm giao mùa ở miền Nam. Thời điểm cuối năm, số ca bệnh thường gặp nhiều hơn.
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, nhiều tác nhân gây viêm màng não ở trẻ có thể lây qua đường hô hấp, giọt bắn khi nói chuyện, tiếp xúc gần, ví dụ Hib, phế cầu, não mô cầu. Các vi khuẩn này còn đặc trưng bởi khả năng trú ở vùng hầu họng của người khỏe mạnh mà không gây nên triệu chứng gọi là tình trạng người lành mang trùng.
Chương trình Tiêm chủng Mở rộng dẫn một thống kê trên thế giới, ước tính có khoảng 8 triệu trường hợp viêm phổi, viêm màng não mủ và khoảng 400.000 trẻ tử vong do Hib mỗi năm. Tại Việt Nam, trẻ dưới 5 tuổi mắc viêm màng não do vi khuẩn, Hib gây ra khoảng một phần ba đến một phần hai số ca bệnh.
Phế cầu gây ra hàng loạt bệnh xâm lấn ở trẻ như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết. Theo CDC Mỹ, vi khuẩn gây ra hơn 50% các trường hợp viêm màng não, trú trong mũi họng của 5-90% người khỏe mạnh, thường gây bệnh khi cơ thể suy giảm sức đề kháng. Vi khuẩn có thể kháng kháng sinh, bội nhiễm siêu vi cùng lúc và diễn tiến nặng.
Một số tác nhân gây bệnh viêm màng não có thể phòng ngừa nhờ vaccine. Ví dụ mũi phòng Hib hiện có mũi đơn, phối hợp năm trong một hoặc sáu trong một thuộc chương trình TCMR và tiêm chủng dịch vụ, lịch tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi. Vaccine phế cầu dành cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến người lớn; loại ngừa não mô cầu ngừa tuýp huyết thanh B, C tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi, loại ngừa tuýp não mô cầu A, C, Y, W-135 tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi.
Bác sĩ Chính nhấn mạnh, nguyên tắc phòng bệnh bằng vaccine là tiêm đúng và đủ phác đồ, kể cả các mũi tiêm nhắc theo hướng dẫn của bác sĩ để hệ miễn dịch sinh đủ kháng thể bảo vệ khỏi bệnh.
Bác sĩ Khanh cho biết ngoài tiêm chủng, phụ huynh khi thấy trẻ có triệu chứng như quấy khóc, sốt li bì, co giật, nôn, thóp phồng... cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Phụ huynh không được tự ý mua thuốc cho trẻ uống vì có thể làm cho dấu hiệu bệnh trở nên không rõ ràng, gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị.
Nhật Linh