Thông tin tại phiên tọa đàm thuộc Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh 2024 (GEFE), ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), cho biết thị trường tín chỉ carbon tự nguyện Việt Nam đã có một số đơn vị bán được cho nhà đầu tư, tập đoàn nước ngoài.
"Họ đang mua chứng chỉ carbon và chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) trong tiêu chí RE100, tức 100% năng lượng tái tạo", ông cho biết. RE100 là sáng kiến toàn cầu dành cho các công ty cam kết sử dụng 100% điện năng tái tạo, phát động bởi Climate Group và CDP vào 2014.
Thị trường carbon gồm hai hình thức là bắt buộc và tự nguyện.
Theo kế hoạch của chính phủ, thị trường bắt buộc sẽ vận hành thử nghiệm vào giai đoạn 2025-2028. Với thị trường tự nguyện, ông Quỳnh cho biết đã bắt đầu hình thành và cũng biến động theo diễn biến xu hướng chung toàn cầu.
Chuyên gia VBMA cho rằng Việt Nam đã có chính sách chung để thực hiện cam kết Net Zero vào 2050, nhưng vẫn chưa có pháp lý đầy đủ và rõ ràng cho thị trường carbon tự nguyện. "Những người bán tại Việt Nam sau giao dịch không biết hạch toán vào đâu, nộp thuế thế nào. Một số chọn phương án tính vào thu nhập bất thường để khai thuế", ông ví dụ.
Ông Nguyễn Thành Nghiệp, Luật sư thành viên công ty luật VTN và Cộng sự chỉ ra việc chưa có quy định xác định tính chất tài sản của tín chỉ carbon. "Chúng có được xem là tài sản bình thường, được thế chấp hay giao dịch thế nào chưa có đủ căn cứ pháp lý", ông nói.
Ngoài ra, quy trình MRV (đo lường, báo cáo và kiểm chứng) cũng cần quy định, hướng dẫn rõ. Theo ông, ngoài các cơ quan quản lý, khu vực tư nhân cũng trông chờ xem liệu có thể tham gia hoạt động MRV không.
"Trong thời gian tới, nếu hoàn thiện pháp lý, thị trường sẽ có nhiều tiềm năng phát triển hơn", ông Đỗ Ngọc Quỳnh dự báo. Ngoài tín chỉ carbon, với tiềm năng điện tái tạo thứ tư thế giới theo McKenzie, ông cho rằng có thể khai thác việc vừa bán tín chỉ carbon vừa bán được REC.
Theo VBMA, quy mô thị trường carbon bắt buộc toàn cầu đạt 104 tỷ USD năm ngoái, tăng 100% so với năm 2020. Trong khi, thị trường tự nguyện đã thu hẹp còn 800 triệu USD, giảm hai phần ba so với 2021 do một số vụ bê bối liên quan đến "giặt xanh" (green washing) làm ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin.
Theo dõi biến động của thị trường thế giới giúp các bên tham gia trong thị trường carbon tự nguyện còn sơ khai của Việt Nam rút kinh nghiệm và tìm ra hướng đi. Marco Gaspari, Điều phối viên Ngành Môi trường tại Cơ quan Hợp tác Phát triển Italy (AICS) văn phòng Hà Nội, dự báo người mua sẽ cần tìm kiếm các bên bán tín chỉ có hệ thống quản trị tốt và rõ ràng.
Ông cho rằng người mua đang thiên về chuộng mua tín chỉ lĩnh vực giảm phát thải sản xuất vì dễ chứng minh. Một loại được quan tâm khác là "carbon xanh dương" (blue carbon) - tín chỉ tạo ra từ các dự án hấp thụ carbon của rừng ngập mặn, đầm lầy bãi triều và cỏ biển. Ông chỉ ra Việt Nam triển vọng với 200.000 ha rừng ngập mặn, có thể làm các dự án carbon tương tự như ở Honduras.
Bà Thu Nguyễn, Quản lý chính sách tại Apanada Management Consultancy, Đại diện Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) khuyến nghị các dự án tín chỉ carbon nâng cao giá trị bằng cách quan tâm đến tính bình đẳng và bao trùm. Theo đó, mục tiêu không chỉ là giảm phát thải mà còn là cải thiện đời sống người dân và phát triển bình đẳng hơn "Dự án cần bảo đảm có tham vấn của cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ và các nhóm yếu thế, để tạo ra lợi ích cho cả cộng đồng lẫn nhà đầu tư", bà nói.
Viễn Thông