Thị trường carbon là nơi trao đổi quyền phát thải khí nhà kính, tức là nơi mua bán tín chỉ hoặc hạn ngạch carbon.
Trên thị trường carbon, các doanh nghiệp, tổ chức mua quyền phát thải carbon nếu cần bù đắp lượng phát thải để đạt mục tiêu giảm phát thải tự nguyện hoặc bắt buộc. Ngược lại, bên bán là phía thừa quyền phát thải được cấp hoặc có khả năng tạo ra các quyền phát thải thông qua tín chỉ carbon.
Hai loại tài sản carbon chính
Có 2 loại tài sản chính được giao dịch trên thị trường carbon là tín chỉ carbon và hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Cụ thể, tín chỉ carbon được tạo ra từ việc giảm phát thải khí nhà kính đã được chứng nhận, với một tín chỉ tương đương một tấn CO2 đã được tránh (không phát thải) hoặc hấp thụ với mức tham chiếu.
Trong khi đó, hạn ngạch phát thải được cơ quản quản lý nhà nước phát hành bắt buộc cho các nhóm doanh nghiệp nằm trong danh sách cần quản lý phát thải khí nhà kính. Hạn ngạch là lượng khí nhà kính họ được quyền phát thải trong một chu kỳ. Nếu không phát thải hết hạn ngạch thì doanh nghiệp có thể bán. Ngược lại, đơn vị thiếu phải mua thêm hạn ngạch từ doanh nghiệp thừa để bù vào.
Tín chỉ carbon khác gì hạn ngạch phát thải?
Hai loại thị trường carbon chính
Tương ứng với hai tài sản carbon này là hai loại thị trường carbon, bao gồm thị trường tự nguyện và bắt buộc.
Thị trường tự nguyện (Voluntary Carbon Market - VCM) là nơi các tổ chức, công ty hoặc quốc gia thỏa thuận song phương hoặc qua một sàn giao dịch để mua bán tín chỉ carbon. Người mua tín chỉ nhằm đáp ứng các chính sách về môi trường, giảm dấu chân carbon theo mục tiêu Net Zero mà họ tự công bố.
Thị trường bắt buộc (Compliance Carbon Market - CCM) là nơi giao dịch các hạn ngạch phát thải khí nhà kính và một số tín chỉ carbon để giúp doanh nghiệp đạt tuân thủ nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính của mình theo quy định pháp luật.
Thị trường này thường là Hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải (ETS), do chính phủ hoặc cơ quan quản lý thiết lập và vận hành. Toàn cầu đang có khoảng 48 quốc đã thành lập thị trường bắt buộc. Ví dụ điển hình là Hệ thống Mua bán phát thải Liên minh châu Âu (EU ETS).
Sở dĩ thị trường bắt buộc có tín chỉ carbon được giao dịch bởi một số chính phủ cho phép doanh nghiệp bù trừ - thông thường tối đa 10% - hạn ngạch còn thiếu bằng tín chỉ carbon. Do đó, sàn ETS vẫn có vài loại tín chỉ carbon được nhà quản lý chấp thuận cho giao dịch với mục đích bù trừ.
Lý do thị trường carbon quan trọng
Năm 2021, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) công bố báo cáo về tiến độ làm chậm biến đổi khí hậu của thế giới. Tin xấu là lượng khí nhà kính (GHG) vẫn đang tăng ở tất cả ngành chính trên toàn cầu, dù chậm hơn. Còn tin tốt là năng lượng tái tạo bắt đầu rẻ dần.
Bất chấp một số tiến bộ, thế giới vẫn đối mặt thách thức to lớn. Các nhà khoa học cảnh báo rằng mức tăng nhiệt độ toàn cầu sẽ vượt quá 2 độ C trong thế kỷ 21, trừ khi đạt được những giảm thiểu sâu về lượng phát thải GHG ngay bây giờ.
Hành động hiệu quả đòi hỏi phải có sự đầu tư phối hợp và đủ mức, vì chi phí không hành động sẽ còn cao hơn nhiều. Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), các quốc gia đang phát triển cần tới 6.000 tỷ USD vào năm 2030 để tài trợ cho gần một nửa mục tiêu hành động về khí hậu theo các Đóng góp do Quốc gia Tự quyết định (NDC) của họ.
Báo cáo mới nhất của IPCC cho thấy tất cả các nước đều chưa đạt yêu cầu, với nguồn tài chính thấp hơn ba đến sáu lần so với mức cần thiết vào 2030 và sự chênh lệch còn rõ rệt hơn ở một số khu vực trên thế giới. Thị trường carbon được quốc tế xem như một phần của giải pháp để thúc đẩy và tài trợ cho quá trình chuyển đổi cần thiết.
Thị trường carbon tại Việt Nam ra sao?
Việt Nam đã có cơ sở pháp lý cho việc hình thành thị trường carbon. Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đưa ra khung pháp lý cơ bản cho việc hình thành thị trường carbon nội địa thông qua Điều 139.
Sau đó, Nghị định 06 năm 2022 của Chính phủ có Điều 91 và 139 về giảm phát thải khí nhà kính và hình thành - phát triển thị trường carbon. Cùng năm đó, Thủ tướng ra Quyết định 01 về danh sách đối tượng tham gia thị trường carbon.
Tương tự quốc tế, Đề án thị trường carbon của Chính phủ dự kiến Việt Nam có thị trường carbon bắt buộc và tự nguyện, với hai 2 hàng hóa là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.
Thị trường sẽ gồm 3 đối tượng tham gia chính. Đối tượng bắt buộc là các cơ sở được phân bổ hạn ngạch thuộc lĩnh vực phát thải lớn như nhiệt điện, sắt, thép, xi măng, với tổng số hiện ước khoảng 100 cơ sở.
Các cơ sở này sẽ giao dịch hạn ngạch với nhau trên sàn ETS để đảm bảo khả năng tuân thủ về giảm phát thải. Dự kiến giai đoạn đầu họ sẽ được phát hạn ngạch miễn phí, thay vì Chính phủ phát hạn ngạch có tính phí như một số nước. Đối tượng tự nguyện gồm nhóm mua bán tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện và lực lượng nhà đầu tư, môi giới, hỗ trợ giao dịch.
Chính phủ dự kiến triển khai thị trường carbon gồm 2 giai đoạn, với thí điểm từ 2025 đến 2027 và vận hành chính thức từ 2028. Các giao dịch trên thị trường carbon Việt Nam sẽ được thực hiện trên sàn giao dịch theo phương thức tập trung trên nền tảng trực tuyến.
Trước mắt, để thị trường carbon vận hành, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, kiểm kê khí nhà kính và phân bố hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở và xây dựng hệ thống giao dịch, tương tự sàn giao dịch chứng khoán hay hàng hóa.