Sau khi đè bẹp Campuchia 4-0 trên sân Rizal Memorial (Manila), các cầu thủ Việt Nam đến khu khán đài dành cho CĐV đội nhà để chung vui. HLV Park Hang-seo sau đó yêu cầu các học trò nhanh chóng vào phòng thay đồ để nghỉ ngơi. Riêng ông ở lại... cùng một số thành viên Ban huấn luyện thu dọn các chai nước, quần áo... mà cầu thủ bỏ lại bên đường biên hoặc xung quanh khu kỹ thuật của đội nhà.
Những điều tôi học được từ ông Park qua những bài báo gần đây:
- Bị bệnh: không màng tới bản thân, chỉ sợ lây cho học trò.
- Cầu thủ mắc lỗi: tự nhận trách nhiệm về mình, thừa nhận HLV phải là người chịu trách nhiệm cao nhất cho mọi diễn biến trên sân.
- Kết thúc mỗi trận đấu: động viên học trò, bắt tay cầu thủ trẻ của đội bạn (dù đang có mâu thuẫn với ban huấn luyện đội đó), chào khán giả tới sân cổ vũ, nhặt rác trên sân.
- Nhạy cảm với chấn thương của Quang Hải, Tiến Linh: lập tức thay ra và có điều chỉnh, ưu tiên sự an toàn cho đôi chân của học trò. Thành tích có thể quan trọng, nhưng với cầu thủ đôi chân lành lặn còn quan trọng hơn cả, ông Park không muốn đời cầu thủ ngắn ngủi lại càng ngắn hơn bởi sự chạy đua thành tích.
Nhiêu đó thôi cũng đủ thấy bóng đá đôi khi là cuộc đời, và cách chúng ta yêu đội tuyển hiện tại, tôi tin không chỉ là vì thành tích ấn tượng mà còn nằm ở phong thái cư xử rất đời, rất nhân văn như thế và đặc biệt mọi thứ được lan tỏa đến từng thành viên trong đội theo một cách tự nhiên và gần gũi.
Tôi không biết chu kỳ thành công của ông Park sẽ kéo dài bao lâu nữa, không có gì là mãi mãi, nhưng tôi tin những thứ thuộc về tấm lòng sẽ được lưu giữ mãi trong ký ức của người hâm mộ về một thời huy hoàng của đội tuyển Việt Nam.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.