Mấy chục năm trước, khi mới bắt đầu tham gia SEA Games và giải vô địch bóng đá ĐNA (nay gọi là AFF Cup), chúng ta đã ngang ngửa trình độ với các đội như Indonesia, Malaysia, Myanmar và Singapore, những đội được xem là chỉ kém Thái Lan và ở mức sàn sàn với nhau. Ngày nay, khi chúng ta gần đuổi kịp Thái Lan thì những đội này nếu hòa với ta, có thể xem như là may mắn của họ.
Thắng Indonesia với ba bàn cách biệt, tôi vừa xem vừa buồn ngủ vì tốc độ trận đấu quá chậm so với Asian Cup. Điểm yếu của Indonesia không phải là cầu thủ mà là HLV. Họ bế tắc, không đưa được bóng đến cầu môn Việt Nam là do HLV không có bài tấn công nào khác. Chúng ta dập tắt ngòi nổ của họ và họ chịu trận. Một đội bóng chỉ trông cậy vào một cá nhân như vậy, việc họ vào được đến chung kết đã là bất ngờ.
Tuy nhiên, nếu không có ông Park thì tuyển Việt Nam cũng chẳng khác gì Indonesia bây giờ. Bế tắc của Indonesia trước Việt Nam cũng không khác gì bế tắc của chúng ta trước Thái Lan thời gian trước. Giải V–League của chúng ta chỉ có ngần ấy đội bóng, nên nhu cầu của các CLB luôn là "một đội hình, một bài chiến thuật". Các HLV nội đã quen với nhu cầu đó nên khi nắm tuyển họ cũng vẫn "một đội hình, một bài chiến thuật".
Trước khi có ông Park, chúng ta chỉ một lần vô địch AFF Cup và chưa lần nào đạt được huy chương vàng SEA Games môn bóng đá nam bởi vì sau vòng bảng, các đối thủ cơ bản đã nắm được bài của chúng ta. "Một đội hình" thì có khỏe đến mấy cũng không thể kham nổi mật độ trận đấu như thế. "Một bài chiến thuật" thì khi bị bắt bài, ta hoàn toàn bế tắc. Còn các HLV ngoại tất nhiên ai cũng muốn cầu thủ Việt phải đạt được yêu cầu của họ, nên thường bắt cầu thủ phải tập thể lực nhiều hơn, tập phối hợp chiến thuật nhiều hơn.
Chỉ có ông Park là biết "liệu cơm gắp mắm", có bao nhiêu sức dùng bấy nhiêu lực. Mỗi trận đấu có năm suất dự bị và ba quyền thay người. HLV trưởng là phải có ít nhất ba sơ đồ dự phòng cho ba quyền thay người này. HLV nội gần như chỉ thay người trong trường hợp bất khả kháng (cầu thủ bị chấn thương hoặc mất sức), bất kể ai vào, thay vào bất kỳ vị trí nào thì sơ đồ vẫn như cũ.
Muốn đa dạng chiến thuật, cần phải có nhiều cầu thủ với nhiều vị trí sở trường khác nhau. Mật độ thi đấu của V–League chỉ có thế, thuê nhiều cầu thủ thì ai ra sân, ai dự bị? Rồi những cầu thủ trẻ như Quang Hải lại được CLB cho ra sân thường xuyên – chẳng khác gì ép lúa non. Lẽ ra những cầu thủ này chỉ nên đá ở giải trẻ hoặc những trận không quan trọng của CLB. Phần lớn thời gian của họ phải là học làm sao để giữ được phong độ tốt nhất (rèn luyện thể lực), rèn luyện kỹ thuật cá nhân và ngồi trên khán đài học cách "đọc" tình huống trận đấu (phát triển tư duy chiến thuật). 22 tuổi mới là lúc cơ thể hoàn toàn trưởng thành, ngừng phát triển về mặt sinh lý. Đó mới là lúc CLB cần "vắt kiệt" họ.
Người ta cho Công Phượng ngồi ghế dự bị không phải là do kém mà do Phượng chưa đủ "tuổi". Ở tuổi dưới 22, cầu thủ trẻ bản xứ may lắm cũng chỉ ra sân được vài lần đếm trên đầu ngón tay. Đó là những cầu thủ trẻ nổi bật ở giải trẻ của họ chứ không phải cầu thủ bình thường. Vài lần ra sân ở giải "người lớn" nhưng những cầu thủ này vẫn phải thường xuyên thi đấu ở giải trẻ để giữ phong độ. Không may, Công Phượng không có hợp đồng ở giải trẻ của họ nên mới trở thành siêu dự bị, từ đó tài năng không tiến lên được mà còn thụt lùi vì không được ra sân.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> 'Tôi thất vọng chất lượng sinh viên Việt sau 20 năm đi tuyển dụng'
>> 'Cha mẹ thành giáo viên khi sách giáo khoa không xuyên suốt'
>> Tôi 'đơ người' với bài tập Toán của học sinh lớp 8
Giải trẻ của họ chính là các giải từ hạng ba trở xuống. Những CLB hạng ba này chính là "lò đào tạo cầu thủ trẻ" cho các giải chuyên nghiệp phía trên. V-League chỉ có hai giải hạng nhất - nhì. Giải VĐQG Ý cũng chỉ có Seria A và Seria B. Thật ra Ý cũng có giải trẻ nhưng những giải này không kinh doanh, không bán vé vào cửa. Cầu thủ của những giải này là học sinh, sinh viên. Tức là, ngoài nghề đá bóng ra họ còn có một bằng cấp chứng nhận nghề nghiệp khác. Nếu được tuyển vào CLB, họ sẽ bảo lưu bằng cấp (bằng cấp sẽ mất hiệu lực nếu không hành nghề trong một khoảng thời gian theo luật định) và khi giải nghệ bóng đá, họ sẽ học bổ túc lại rồi hành nghề bình thường như mọi công dân khác. Dù có hay không có kinh doanh thì các giải trẻ ở châu Âu đều là như vậy.
Trông người lại ngẫm đến ta. Chỉ cần cầu thủ có năng khiếu thì bằng tốt nghiệp PTTH cũng có thể được miễn, sau khi giải nghệ không hiểu cầu thủ sẽ làm gì để sống ngoài nghề làm HLV? Tuyển trẻ của người ta hầu hết là học sinh, sinh viên, còn tuyển trẻ của ta đa phần vẫn là "gà chọi" (được đào tạo kỹ năng sống duy nhất là đá bóng).
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.