Song Lang là tác phẩm dịp kỷ niệm 100 năm môn cải lương ra đời, do đơn vị của Ngô Thanh Vân sản xuất. Tác phẩm mào đầu với những tự sự về cải lương, quá khứ của nhân vật Dũng "Thiên Lôi" (Liên Bỉnh Phát đóng). Anh vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống nhạc dân tộc nhưng do thời cuộc trở thành kẻ đòi nợ thuê. Cuộc đời Dũng là những trận chiến dữ dội trên đường phố, trong những căn nhà của kẻ mắc nợ, còn trái tim dần trở nên sắt đá.
Trong một lần đến đòi nợ gánh cải lương Thiên Lý, Dũng gặp Linh Phụng (Isaac đóng) - một kép hát xem nghề diễn như hơi thở. Ban đầu, Phụng ghét Dũng do thấy anh hung dữ, ngang ngược. Tuy nhiên, sau một biến cố, hai người xích lại gần nhau và phát hiện họ có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt về tình yêu nghệ thuật.
* Trailer phim
Song Lang là tác phẩm đậm chất cá nhân của Leon Lê - vốn là nhà làm phim tay ngang xuất thân diễn viên nhạc kịch Broadway (Mỹ). Về tổng thể, phim hướng đến phong cách điện ảnh thơ (chú trọng hình ảnh để diễn tả cảm xúc) với nhiều khung hình gợi nhớ các phim của đạo diễn Vương Gia Vệ. Với gam màu vàng và các hình ảnh có độ tương phản cao, tác phẩm cuốn người xem vào không gian bụi bặm của đường phố, những con hẻm và nhà cửa cũ kỹ ở thập niên 1980. Còn thiết kế và cách dựng cảnh ở những trích đoạn sân khấu tạo ra vẻ đẹp tráng lệ pha chút huyền bí, tạo sự đối lập với ngoại cảnh trầm buồn.
Bố cục ở những cảnh nội chặt chẽ và giàu chi tiết, đôi khi giống những bức tranh được sắp đặt kỹ. Tác phẩm có hai cảnh đáng nhớ đều có ánh sáng qua khung. Một cảnh với tia sáng báo hiệu chuyển biến tâm lý của Dũng sau một trường đoạn quan trọng, còn cảnh sau đánh dấu sự thay đổi của nhân vật và gây hiệu ứng thị giác mạnh với lối quay ngược sáng.
Về cải lương, tác phẩm tránh được lối mòn của nhiều phim về nghệ thuật cổ truyền là diễn giải bằng lời quá nhiều. Song Lang có sự cân bằng giữa việc nói triết lý và những trích đoạn biểu diễn giàu năng lượng. Để mô tả không khí cải lương, đạo diễn chuyển đổi các đúp quay nhuần nhuyễn giữa cảnh sân khấu, nghệ nhân đàn, nhân viên hậu đài và phản ứng khán giả. Dù khắc họa một bộ môn nghệ thuật khác, ngôn ngữ điện ảnh của phim vẫn được duy trì nhất quán. Ý tưởng "sân khấu và cuộc đời hòa quyện" được khai triển tốt qua những ca từ trên sàn diễn mang tính ẩn dụ cho nội dung phim, cũng như lối cắt dựng ở cao trào.
Hai nam chính Isaac và Liên Bỉnh Phát đều là điểm cộng của phim. Nam ca sĩ trẻ thể hiện nỗ lực với những cảnh hát và diễn động tác cải lương dài hơi. Nhân vật của anh là một kép hát có tài nhưng không đủ thăng hoa ở những câu ca mùi mẫn do chưa nếm trải tình yêu. Linh Phụng không rung động với cô đào xinh đẹp diễn cùng (Tú Quyên đóng) hay những phụ nữ khác. Phải đến khi gặp Dũng, anh mới có cảm giác đặc biệt. Isaac có biểu cảm tốt ở những cảnh Linh Phụng dần nhận ra thay đổi của mình.
Trong khi đó, Liên Bỉnh Phát gây ấn tượng nhờ vẻ ngoài nam tính, ăn hình. Diễn viên tay ngang xuất thân MC vừa có chất ngang tàng, thô lỗ, vừa có ánh mắt giàu tình cảm. Cách chỉ đạo diễn xuất cũng giúp hai diễn viên thoại tự nhiên, tương tác ăn ý và có những động tác sinh động trong khung hình. Yếu tố đồng tính trong phim nhẹ nhàng. Cảnh hai nam diễn viên hôn nhau đã bị cắt khỏi bản chiếu rạp.
Tuy nhiên, Song Lang gặp vấn đề với câu chuyện mỏng. Nhân vật Dũng trải qua hành trình để tìm lại tình yêu với nghệ thuật nhưng quá trình chuyển đổi quá nhanh, chỉ trong thời gian ngắn. Các trường đoạn trong đêm anh ở cùng Linh Phụng không đủ dày về tình tiết để tạo ra biến động này, một số chỗ giống như nhắc lại cuộc sống giang hồ của Dũng. Dưới đường dây chính, biên kịch chưa phát triển câu chuyện ngầm đủ mạnh nên nhân vật chưa có chiều sâu, xung đột nội tâm hay trở ngại của nhân vật còn nhẹ. Cách kết đột ngột là lựa chọn táo bạo, ngoài khuôn mẫu của đạo diễn nhưng khán giả cảm thấy phim hơi bị cụt.
Tác phẩm cũng gây tiếc nuối khi có nhiều vai phụ không được phát triển trọn vẹn. Đó là bà bầu gánh hát (Kim Phương đóng), nghệ sĩ đóng vai kép lão (Hữu Quốc đóng), bà chủ đòi nợ (Minh Phượng đóng) hay cô gái cá tính (Thanh Tú đóng). Từng người xuất hiện ấn tượng với nét riêng nhưng sau đó dần biến mất khỏi mạch chính, không có câu chuyện hấp dẫn của riêng mình hoặc tác động rõ lên nhân vật chính. Về tổng thể, mạch phim hơi đơn điệu.
Song Lang khởi chiếu từ ngày 17/8 với nhãn C16 (không dành cho khán giả dưới 16 tuổi).
Ân Nguyễn