Khi phong trào Black Lives Matter lan rộng khắp nước Mỹ, đạo diễn Spike Lee đăng phim ngắn - 3 Brothers - trên Twitter của ông. Đoạn phim kết nối ba cái tên: Eric Garner - qua đời năm 2014 ở New York, George Floyd - người da đen mất hồi tháng 5 ở Minnesota và nhân vật Radio Raheem từ bộ phim Do the Right Thing của ông năm 1989. Cả ba có điểm chung là bị các sĩ quan cảnh sát da trắng ghì tới chết do ngạt thở.
Sự tương đồng giữa ba cái chết nhắc nhở người xem về thực tế xã hội. Sau hơn 30 năm bộ phim của Spike Lee ra đời, bạo lực và sự bất bình đẳng với người da đen vẫn là vấn đề nhức nhối ở Mỹ.
Spike Lee đưa ra góc nhìn chân thực cùng những câu hỏi về cách phản ứng với thù hận và phân biệt chủng tộc. Câu chuyện diễn ra trong ngày nóng nhất trên một khu phố ở Bedford-Stuyvesant, Brooklyn. Spike Lee đóng vai Mookie, làm việc giao hàng cho quán pizza Sal’s, nơi hầu hết người dân khu phố đến tụ họp ăn uống. Sức nóng sôi sục trong ngày (được tô đậm với gam đỏ và vàng trên màn hình) phản ánh những căng thẳng giữa chủ quán Sal (Daniel Aiello) và Buggin Out (Giancarlo Esposito). Buggin Out bực tức với "bức tường danh vọng" đầy những người Mỹ gốc Italy ở quán. Anh yêu cầu Sal treo thêm ảnh nghệ sĩ da đen vì khách hàng của quán chủ yếu thuộc cộng đồng này. Sal không đồng ý. Cuộc cãi vã biến thành một vụ ẩu đả, kết thúc với cảnh sát can thiệp, dẫn tới cái chết của Radio Raheem.
Theo chân Mookie, cộng đồng khu Bed-Stuy hiện lên sinh động qua những nhân vật như Jade em gái Mookie (Joie Lee), thị trưởng Da Mayor (Ossie Davis) -người theo chủ nghĩa hòa bình nhưng nghiện bia rượu, Smiley (Roger Guenveur Smith) - gã da trắng nói lắp tuyên truyền ảnh Martin Luther King và Malcolm X, bạn gái của Mookie - Tina (Rosie Perez), hai vợ chồng Hàn kiều chủ tiệm tạp hóa...
Song song miêu tả về khu phố đông dân, bộ phim phơi bày định kiến giữa những nhóm người nơi đây về nhau. Pino (John Turturro) - con trai cả của Sal - có thái độ thù hằn với người da đen, một số người da đen lại căm ghét hai vợ chồng người gốc Hàn. Những định kiến tuôn ra trong lời thoại như một điều đương nhiên trong cuộc sống người dân nơi đây.
The Conversation nhận xét Spike Lee đã vượt lên cách thể hiện nhân vật Mỹ gốc Phi của thời trước, phức tạp và đa chiều hơn. Ông không thể hiện các nhân vật theo một khuôn mẫu "người tốt" hay "người xấu". Họ đều có những mặt mà khán giả có thể thích và ghét. Trang Awards Daily chỉ ra cách Spike Lee khắc họa bản chất sự phân biệt chủng tộc ở Mỹ: Nó đã ngấm sâu vào máu người dân đến nỗi gần như không có nguồn cơn và lý giải nào cho sự thù hằn giữa những màu da.
Ở giữa phim, câu chuyện thậm chí dừng lại để các nhân vật nói thẳng vào màn hình những lời mang tính phân biệt chủng tộc. Bộ phim buộc khán giả đối mặt với những quan điểm và thái độ kỳ thị của riêng họ, theo Indiewire. Đoạn phim cũng đẩy người xem cảm nhận rõ nét hơn sự thù địch, từ đó chuẩn bị cho sự bùng nổ ở cao trào.
Do the Right Thing không chỉ ra hướng giải quyết những mâu thuẫn trong xã hội. Tác phẩm phô bày hậu quả của thù hận bằng một trường đoạn cuối nhuốm màu bi kịch và bạo lực. Mookie phản ứng lại cái chết của Radio Raheem bằng cách ném một thùng rác vào cửa sổ quán Sal’s, gây ra cuộc bạo động cuối cùng phá hủy hoàn toàn nhà hàng của ông. Sal giận Mookie vì khơi mào cuộc nổi loạn, còn Mookie cho rằng Sal phải chịu trách nhiệm cho cái chết của bạn mình. Trên Hollywood Reporter, Spike Lee kể ông từ chối để cho hai nhân vật giảng hòa với nhau, bất chấp yêu cầu của Paramount (nhà sản xuất ban đầu). Trái với câu mệnh lệnh của tên phim (Hãy làm điều đúng đắn), tác phẩm không cho khán giả câu trả lời điều đúng đắn phải làm là gì.
Theo Screen Prism, cái kết không trọn vẹn của phim phản ánh thực tế là không có câu trả lời đơn giản nào để cải thiện điều kiện sống của người Mỹ gốc Phi - dung thứ hay đánh trả bằng bạo lực cũng không giải quyết được vấn nạn phân biệt chủng tộc. Cái kết bỏ ngỏ của Do the Right Thing dự báo bối cảnh chính trị, xã hội Mỹ còn nhiều phức tạp.
Phim được Viện Phim Mỹ chọn vào danh sách những phim hay nhất mọi thời đại, được Thư viện Quốc hội công nhận là tác phẩm "có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ". Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi phim là "tấm gương soi chiếu xã hội chúng ta" và cùng vợ - Michelle - đi xem trong lần đầu hẹn hò.
Bộ phim không chỉ là bệ phóng cho sự nghiệp của Spike Lee mà còn nhiều tài năng như Rosie Perez, Samuel L. Jackson, Giancarlo Esposito và John Turturro. Tác phẩm cũng truyền cảm hứng cho nhiều phim khai thác vấn đề về sắc tộc và bạo lực của cảnh sát, trong đó phải kể đến Boyz N the Hood của đạo diễn John Singleton, phim truyền hình When They See Us của Ava DuVernay. Nhà sản xuất Cheo Hodari Coker của Luke Cage nói: "Bộ phim khiến chúng tôi muốn viết, muốn đạo diễn. Do the Right Thing đã sản sinh ra một thế hệ biên kịch và nhà làm phim mới. Tác phẩm truyền năng lượng đẩy bạn bước tới hành động".
Phương Hà