Việc George Floyd - người da đen bị một cảnh sát da trắng đè đầu gối lên cổ dẫn đến tử vong - châm ngòi cho một loạt cuộc biểu tình khắp nước Mỹ. Không phải lần đầu tiên nước Mỹ sôi sục trước hành động bạo lực với người da đen của cảnh sát. Năm 2012, Trayvon Marton - thiếu niên người Mỹ gốc Phi - đã bị một tình nguyện viên cảnh vệ khu phố, George Zimmerman, bắn chết. Những cuộc biểu tình phản đối các sự việc này dùng khẩu hiệu "Black Lives Matter" (Mạng sống của người da đen đáng giá). Những năm gần đây, điện ảnh Mỹ cũng đưa ra nhiều cái nhìn về vấn đề này.
Fruitvale Station (2013)
Phim đầu tay của đạo diễn Ryan Coogler dựa trên các sự kiện dẫn đến cái chết của Oscar Grant, một thanh niên bị cảnh sát giết tại ga Fruitvale ở Oakland (Mỹ) năm 2009. Sau khi ra mắt ở LHP Sundance năm 2013, Fruitvale Station nhận nhiều lời khen và giải thưởng, trở thành bệ phóng tên tuổi cho cả đạo diễn Ryan Coogler và nam diễn viên chính Michael B. Jordan. Phát hành đúng thời điểm cái chết của Trayvor Martin - thiếu niên da màu bị sát hại vì nghi ăn trộm, Fruitvale Station nhanh chóng thành một phim tâm điểm. Tuy nhiên, theo Sight and Sound, bộ phim không nhằm đổ thêm dầu vào lửa. "Nó tập trung vào tính nhân văn và phân tích bi kịch của nhân vật chính ở cấp độ cá nhân hơn là chính trị - xã hội", tờ này viết.
Bright (2017)
Bright (David Ayer đạo diễn) lấy bối cảnh thành phố Los Angeles hiện đại, con người lúc này chung sống với nhiều loài sinh vật giả tưởng như quái vật orc, người tiên elf, người lùn... Chuyện phim theo chân hai nhân viên cảnh sát Los Angeles, một con người (Will Smith) và một orc (Joel Edgerton). Họ tình cờ phát hiện một cổ vật quý giá và trở thành mục tiêu săn đuổi của các băng đảng tội phạm trong khu phố.
Dù mang bối cảnh và các yếu tố giả tưởng, Bright lồng ghép nhiều chi tiết về thế giới thật như sự kỳ thị của cảnh sát với người chủng tộc khác hay việc tham nhũng trong giới thực thi pháp luật. Các trang như Upcoming và Vox nhận xét Bright đã có thể khai thác sâu những yếu tố này nhưng lại không tận dụng triệt để.
Detroit (2017)
Detroit do Kathryn Bigelow đạo diễn, John Boyega và Will Poulter đóng chính, kể về sự việc xảy ra tại Algiers Motel trong cuộc bạo loạn ở Detroit năm 1967. Các nhân viên thực thi pháp luật đã bắn chết ba thiếu niên da đen và làm nhiều người khác bị thương. Đạo diễn Kathryn Bigelow và biên kịch Mark Boal đã phỏng vấn nhiều người sống sót trong vụ bạo loạn, cũng như xem những bức ảnh chụp sự việc, để thuật lại chân thật sự kiện trong phim. Trang Rotten Tomatoes nhận xét: "Detroit thuật lại một chương bi thảm từ quá khứ của nước Mỹ, đưa ra sự tương đồng đầy đau lòng với hiện tại".
Bộ phim sớm vấp phải sự phản đối từ cộng đồng da đen bởi họ không muốn câu chuyện được kể lại từ góc nhìn của một đạo diễn. Tuy nhiên, nhà hoạt động Michael Eric Dyson cho rằng phim của Bigelow tạo cộng hưởng mạnh mẽ với người da trắng, điều cũng rất quan trọng.
If Beale Street Could Talk (2018)
Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của James Baldwin, If Beale Street Could Talk có sự tham gia của KiKi Layne và Stephan James trong vai chính. Lấy bối cảnh đầu những năm 1970, phim kể về Clementine Rivers (Layne thủ vai) tìm cách minh oan cho bạn trai Hunt (James), sau khi anh bị cảnh sát buộc tội cưỡng hiếp một phụ nữ da trắng.
If Beale Street Could Talk là tác phẩm thứ hai của đạo diễn Barry Jenkins sau Moonlight đoạt Oscar năm 2016. Bộ phim đã mang về cho Regina King giải Oscar và Quả Cầu Vàng "Nữ diễn viên phụ xuất sắc". Phim được khen ngợi vì cốt truyện cảm động và mang lại một câu chuyện tình đẹp giữa hai nhân vật chính.
The Hate U Give (2018)
Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Angie Thomas, The Hate U Give kể về nữ sinh Starr (16 tuổi), chứng kiến cái chết của hai người bạn thân nhất - một do băng đảng, một do cảnh sát.
The Hate U Give - lấy cảm hứng từ cái chết của Oscar Grant - công chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Toronto 2018, được khen mô tả chân thực về bạo lực cảnh sát. Rolling Stone đặc biệt khen ngợi diễn xuất của Amandla Sternberg, còn trang Lily nhận xét: Qua hành trình Starr giành lại công lý cho bạn mình, The Hate U Give nhắc nhở mọi người rằng mọi hành động đấu tranh nhỏ đều đáng giá.
Monsters and Men (2018)
Monsters and Men của đạo diễn Reinaldo Marcus Green, nói về việc Manny (Anthony Ramos) tung video tố cáo hai cảnh sát sát hại một người da đen trong lúc bắt giữ. Cái chết trong phim được mô tả khá giống với vụ việc của Eric Garner, cũng bị cảnh sát ghì tới khi nghẹt thở.
Không như những phim khác thường coi người da đen là nạn nhân của cảnh sát da trắng, Monster and Men lồng ghép câu chuyện một cảnh sát da đen - Dennis (John David Washington) - luôn phẫn uất vì bị đồng nghiệp da trắng kỳ thị. Những góc nhìn khác nhau cùng cái kết lửng cho thấy những vấn đề nhức nhối mà người da đen vẫn phải đối mặt, tờ NY Times nhận xét.
Queen & Slim (2019)
Trong Queen & Slim, hai người lạ mặt Queen (Jodie Turner-Smith) và Slim (Daniel Kaluuya) hẹn gặp nhau qua Tinder. Nhưng khi lái xe về nhà, họ bị một cảnh sát da trắng dừng xe. Trong cuộc cãi vã, Slim vô tình giết chết cảnh sát để tự vệ. Queen nhanh chóng quyết định họ phải chạy trốn, bởi những định kiến chủng tộc sẽ không bao giờ cho họ cơ hội minh oan.
Đạo diễn Melina Matsoukas nói về bộ phim trên The Atlantic: "Chúng tôi muốn thể hiện sự tương tác giữa cảnh sát và người dân, thực tế là một khi bạn mặc đồng phục, không còn màu da đen và trắng nữa. Dù bạn thuộc màu da nào, bạn phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của đồng nghiệp và tổ chức đó". Cô nói thêm: "Tôi hy vọng mọi người thấy được trải nghiệm của người da đen. Đây là điều chúng tôi trải qua hàng ngày trong cuộc sống ngay khi bước ra khỏi cửa. Khi cảnh sát đến, chuyện có thể đi theo nhiều hướng khác nhau".
Phương Hà (video: Youtube)