* Bài tiết lộ một phần nội dung phim
Ra mắt từ ngày 11/2, Chuyện ma gần nhà là tác phẩm kinh dị hiếm hoi góp mặt vào mùa phim Valentine. Phim đạt 15 tỷ đồng trong ngày đầu công chiếu - thành tích mở màn tốt nhất của điện ảnh Việt từ đầu năm. Dự án của Trần Hữu Tấn (đạo diễn Bắc kim thang, Rừng thế mạng) quy tụ nhiều tên tuổi, từ diễn viên có kinh nghiệm như Mạc Can, Vân Trang, Khả Như đến các gương mặt mới như Huỳnh Thanh Trực, Trần Phong...
Tác phẩm là chùm ba câu chuyện được sắp xếp theo tuần tự. Môtíp kịch bản vốn không mới, từng được áp dụng ở nhiều dự án trên thế giới, tiêu biểu là Scary stories to tell in the dark (Chuyện kinh dị lúc nửa đêm) - ra mắt năm 2019. Lối kể chuyện này dễ kích thích tò mò của khán giả, tuy nhiên đòi hỏi nhà làm phim khả năng dẫn nhập vấn đề gọn gàng, kịch bản chắc tay để níu người xem đến phút cuối.
Phim mở màn với cảnh một nhóm bạn gặp mặt ở căn hộ chung cư. Trong đêm, họ nảy ra ý tưởng mỗi thành viên kể một chuyện ma. Chuyện thứ nhất kể về Lan Hương (Lê Bê La), minh tinh ở Sài Gòn nhiều thập niên trước. Cô nổi tiếng đến mức được vẽ khuôn mặt lên các xe nước mía để hút khách. Sau một tai nạn, cô đột ngột biến mất. Thời gian sau, nữ diễn viên trẻ Ngọc Minh (Như Đan) đến biệt thự của Ái Như (Khả Như) - một minh tinh khác - để tuyển vai mới và được chọn. Sau khi chuyển đến sống cùng Ái Như theo lời đề nghị, cô phát hiện một bí mật.
Chuyện thứ hai xoay quanh một thanh niên là ảo thuật gia (Huỳnh Thanh Trực). Sống cùng cha già (Mạc Can), anh thường bị ông cấm theo nghề. Một lần, cãi lời cha, anh biểu diễn ảo thuật cho một đứa trẻ, từ đó nhiều hiện tượng quỷ dị xảy ra. Ở chuyện cuối, nhà ngoại cảm Bích (Vân Trang) được gia đình cô Út - một thiếu nữ quá cố - nhờ tìm hài cốt. Khi lần mò tìm hiểu câu chuyện của Út, cô Bích bị một thế lực đeo bám.
Phim ghi điểm nhờ khắc họa tốt không khí u ám. Không gian đặc trưng của Sài Gòn xưa được đặc tả trong bối cảnh biệt thư cổ, khu chung cư ám bụi... Ánh sáng trở thành công cụ giúp phim khuếch đại nỗi ám ảnh cho người xem. Nguồn sáng có khi tỏa ra từ đóm lửa leo lắt của que diêm trên bậc cầu thang, ngọn đèn lúc mờ lúc tỏ từ bàn thờ, giữa hành lang hiu hắt bóng người... Đạo diễn tích cực sử dụng màu đỏ nhằm tạo hiệu ứng thị giác mạnh, khơi gợi nỗi sợ bản năng từ khán giả.
Tạo hình quỷ dị trong phim được chăm chút kỹ. Thế lực đen tối xuất hiện với nhiều hình thù, như người có khả năng thay đổi khuôn mặt, quỷ cụt đầu, ma miệng rộng... Ở nhiều phân cảnh, phim gợi nhớ nhiều tác phẩm nổi tiếng vì phần hóa trang tương đồng, như Họa bì, Pan's Labyrinth...
Diễn xuất dừng ở mức tròn trịa, chủ yếu nhờ khâu tuyển chọn diễn viên hợp vai. Nghệ sĩ Mạc Can ghi dấu với nhân vật ông cụ lẩn thẩn, đặt trọn niềm tin vào chuyện thờ cúng. Dù vậy, đau đáu trong ông là nỗi khổ khó nói, bắt nguồn từ việc con trai cãi lời gia đình để theo nghề ảo thuật. Giọng nói tưng tửng, ánh mắt thất thần, Mạc Can tạo được thương cảm khi khắc họa bi kịch một ông già cô độc đến cuối đời. Diễn viên hài Khả Như thay đổi đáng kể với vai minh tinh Ái Như - người che giấu một bí mật trong biệt thự cổ. Vân Trang tròn vai trong những cảnh bị rượt đuổi trên hành lang chung cư, hay bị ma quỷ trấn áp giữa đêm. Cô tham gia dự án khi đang mang bầu song thai hồi đầu năm ngoái.
Âm thanh đóng góp không nhỏ trong cách kể chuyện của phim. Dù không lạm dụng các màn jumpscare (hù dọa), phim sử dụng các chiêu phổ biến của thể loại kinh dị, như tiếng kéo cửa, hiệu ứng âm thanh độ vang cao, giọng nói vọng về từ nơi xa xăm... Đừng bỏ em một mình - nhạc phẩm kinh điển của Phạm Duy - vang lên nhiều lần trong phim với bản phối cổ điển.
Nỗ lực trong khâu diễn xuất, hóa trang không cứu được phim do kịch bản thiếu thuyết phục. Câu chuyện đầu tương đối trọn vẹn về ý tưởng, khắc họa tốt màu sắc sinh động của đô thị. Bước sang chương thứ hai và ba, tác phẩm đuối dần, mắc nhiều lỗ hổng do chưa được đạo diễn phân tích thấu đáo. Chuyện về cha con nhà ảo thuật dễ khiến người xem nhập nhằng, khó phân định được đâu là người sống - cõi chết, dù hiểu rằng đó là ý đồ của nhà làm phim. Nhiều tình tiết trở nên rối rắm khi các thế lực qua quỷ xuất hiện, không liên quan đến câu chuyện chung.
Ở phần về nhà ngoại cảm Bích, đạo diễn dụng công cài cắm tình tiết từ đầu để tạo một "twist" (tình tiết bất ngờ) khúc cuối. Dù ít "sạn" hơn chuyện thứ hai, cách giải thích qua loa làm cái kết bị trôi tuột, khiến phần lớn khán giả khó nắm bắt câu chuyện. Ngoài ba câu chuyện chính, phim còn đặt để một "twist" khác để khép lại tác phẩm, nhưng chi tiết này diễn ra chóng vánh, có phần hời hợt.
Kể ba câu chuyện không liên quan, tác phẩm trở nên rời rạc, thiếu tính kết nối. Sau mỗi lần kể chuyện, nhóm bạn liền bước qua câu chuyện mới thay vì dẫn dắt. Mỗi lần hù dọa, nhân vật lại thức dậy sau giấc mơ. Môtíp này trở đi trở lại, dần tạo cảm giác nhàm chán. Khâu kỹ xảo đồ họa đôi lúc chưa tương xứng với ý tưởng đạo diễn, dễ phản tác dụng khi xem trên màn ảnh rộng.
Mai Nhật