Hoạt hình Ne Zha kể xuất thân của nhân vật khác tiểu thuyết Phong thần diễn nghĩa và truyện dân gian. Theo tích cổ, Na Tra là pháp bảo Linh Châu, đầu thai vào làm con trai thứ ba của Lý Tịnh. Nhưng trong phim, do biến cố, cậu lại là chuyển thân của Ma Hoàn - viên ngọc đối lập với Linh Châu. Na Tra có sức mạnh phi thường nhưng vẻ ngoài xấu xí, bị dân làng khinh ghét. Hơn nữa, cậu còn vướng lời nguyền sẽ bị sét trời giết sau ba năm.
Trailer phim.
Năm tháng ấu thơ của Na Tra trôi qua trong sự cô lập, xa lánh của người xung quanh. Một ngày nọ, cậu tao ngộ Ngao Bính - con trai Long Vương - người ngoài duy nhất không sợ cậu mà vui vẻ chơi cùng. Nhưng Ngao Bính lại là chuyển thân của Linh Châu - có định mệnh đối đầu Na Tra.
Trong hoạt hình gây sốt phòng vé Trung Quốc, Na Tra vẫn giữ tính ngỗ nghịch, hiếu động giống truyện cổ. Tuy nhiên, số phận bi kịch khiến tính cách nhân vật hợp lý và dễ gây đồng cảm hơn. Na Tra quậy phá từ mặc cảm bản thân, như cách phản ứng sự ghét bỏ của người xung quanh. Tuy nhiên, trong thâm tâm, cậu lại rất cô đơn, chỉ muốn có người chơi cùng. Nhưng càng muốn chứng tỏ mình là người tốt, Na Tra lại càng gây họa.
Kịch tính phim được đẩy ở nửa cuối, khi Na Tra phát hiện mình khó đội trời chung với người bạn duy nhất. Nhân vật Ngao Bính cũng được xây dựng có chiều sâu, nỗi niềm riêng. Anh mang lòng chính trực nhưng phải chấp nhận làm điều ác vì gia tộc. Về cuối, một tình tiết bất ngờ liên quan đến Lý Tịnh dễ gây xúc động về tình phụ tử, sự hy sinh.
![Na Tra trong Ne Zha bị xem là xấu nhất màn ảnh từ trước đến nay. Tuy nhiên, tạo hình này lại phù hợp với xuất thân nhân vật. Ảnh: CGV.](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2019/09/26/tai-xuong-2205-1569486963.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-28qHe0TuTVQC_390eIJYA)
Na Tra trong "Ne Zha" bị xem là xấu nhất màn ảnh từ trước đến nay. Tuy nhiên, tạo hình này lại phù hợp với xuất thân nhân vật. Ảnh: CGV.
Trong Ne Zha, các nhân vật không phân thiện ác rõ ràng. Ngay cả Thân Công Báo - kẻ chủ mưu gây rối - cũng có động cơ hợp lý. Thông điệp của tác phẩm là phá vỡ định kiến, tự mình quyết định số phận chứ không chiều theo "ý trời". Sự "nổi loạn" của cả Na Tra và Ngao Bính về cuối phản ánh chủ nghĩa tự do, niềm tin vào bản thân - gần với quan điểm phổ biến hiện nay. Do đó, có thể nói Ne Zha là một phim kể lại truyện cổ theo góc nhìn hiện đại.
Tuy nhiên, tác phẩm không quá bi thương mà lồng ghép tiếng cười - chủ yếu đến từ hình thể, tình huống, mưu mẹo các nhân vật. Ở đôi chỗ, nhà làm phim đưa vào những câu thoại và yếu tố văn hóa đương đại, tạo sự trái khoáy với bối cảnh thời xưa. Cây hài trong phim là Thái Ất Chân Nhân - sư phụ của Na Tra - có vóc dáng to béo, tính hào sảng.
Vẻ ngoài phá cách của Na Tra là thành công của ê-kíp hoạt họa. Với hàm răng lởm chởm, miệng rộng, Na Tra đôi khi hơi giống quái vật. Tuy nhiên, ở những cảnh quan trọng, gương mặt nhân vật lại bộc lộ tính thiện. Trong khi đó, Ngao Bính có tạo hình công tử, điển trai, thu hút giống mẫu nam chính trong các phim ngôn tình. Hiệu ứng băng, lửa khi đấu phép ở cao trào khá tốt, ít giả tạo hơn một số hoạt hình Trung Quốc gần đây.
Ra mắt từ tháng 8, Ne Zha gây sốt phòng vé Trung Quốc với hơn 700 triệu USD, cao thứ hai mọi thời (sau Chiến lang 2). Trên Douban, khán giả chấm phim đến 8,6/10. Giới phê bình phương Tây cũng khen phim với 83% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes. Theo nhà phát hành, tác phẩm dẫn đầu phòng vé Việt tuần qua, vượt phim Siêu quậy có bầu và phim âm nhạc Yesterday. Một đoạn phim được cài cắm cuối Ne Zha, gợi mở phần hai về nhân vật Khương Tử Nha.
Phim chiếu ở Việt Nam với tựa Na Tra: Ma đồng giáng thế và nhãn P (dành cho mọi khán giả).
* Xem thêm: Loạt phim ra rạp Việt tháng 9
Ân Nguyễn