Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chiều 7/7 họp báo công bố hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ) hỗ trợ lao động, doanh nghiệp.
Trong 12 chính sách, có 7 nội dung trực tiếp hỗ trợ tiền mặt cho lao động ngừng việc, mất việc, F0, F1, trẻ em, viên chức hoạt động nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch và hộ kinh doanh; 5 chính sách liên quan bảo hiểm xã hội hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
"Các bộ ngành, đơn vị liên quan đã cố gắng ở mức cao nhất, vừa chạy vừa xếp hàng để trong gần một tuần đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, trong khi nếu bình thường thì mất cả tháng", Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung nói, khẳng định thêm đây là "một cuộc cách mạng về thời gian, táo bạo vì người lao động đang khó khăn".
Thủ tục vì thế cũng đơn giản hóa, cắt giảm tối đa và rút ngắn thời gian để lao động, doanh nghiệp tiếp cận chính sách dễ dàng mà vẫn đúng luật, với tinh thần "cái gì luật quy định vẫn phải chấp hành, không cấm thì vận dụng linh hoạt".
Rút kinh nghiệm từ gói 62.000 tỷ đồng thủ tục chặt chẽ, yêu cầu chứng minh tài chính, mất từ 10 ngày đến gần một tháng để giải quyết thì nay ngành lao động hướng dẫn rút ngắn quy trình. Ví dụ, thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không lương giảm xuống còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng mỗi năm với hộ kinh doanh, chỉ yêu cầu dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất từ 50% lao động xuống còn 15%.
So với gói cũ, thời gian tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất đã tăng lên 6 tháng thay vì 3 tháng như trước đây. Thời gian giải quyết từ 25 ngày giảm xuống còn 5 ngày. Hồ sơ từ 3 thành phần còn 1 và giảm một nửa thông tin phải kê khai.
Thời gian giải quyết cho lao động, doanh nghiệp vì thế rút xuống còn từ 5 - 10 ngày từ khi nộp hồ sơ cho đến khi phê duyệt kinh phí. Qua đó, tiền hỗ trợ đến tay người cần nhanh hơn.
Riêng chính sách hỗ trợ lao động tự do, nghị quyết của Chính phủ đã giao về các địa phương chủ động làm và toàn quyền quyết định. Tỉnh, thành căn cứ điều kiện cụ thể, khả năng ngân sách để xác định người được hưởng và mức hỗ trợ cụ thể, song không thấp hơn 1,5 triệu đồng một người hoặc 50.000 đồng mỗi ngày. Các nhóm lao động đặc thù cũng do địa phương tự quyết định, Chính phủ hay bộ sẽ không can thiệp.
Sau hướng dẫn này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội không ra thêm hướng dẫn hay văn bản nào nữa, tránh làm phức tạp thêm quy trình. Bộ sẽ lập các tổ giúp việc thực hiện chính sách, lập đường dây nóng để giải đáp thắc mắc liên quan, nhận kiến nghị của doanh nghiệp. Các cơ quan sẽ tăng hậu kiểm, tăng giám sát để chính sách không bị trục lợi.
Về gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, ông Huỳnh Văn Thuận, Phó giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội ước tính khoảng 7.500 tỷ đồng nằm trong gói 26.000 tỷ. Ngân hàng Chính sách sẽ căn cứ vào bố trí vốn của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện. Ngày 8/7, ngân hàng sẽ ban hành hướng dẫn thủ tục cho các doanh nghiệp, tập huấn cho cán bộ, tỉnh thành và đơn vị liên quan về quy trình cho vay theo hình thức trực tuyến.
Ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh thêm, trước đây gói 62.000 tỷ thủ tục phiền hà, cộng thêm tâm lý vay trả lương ngừng việc mà còn phải chứng minh tài chính khiến doanh nghiệp e ngại. Gói vay lần này cắt giảm thủ tục đến mức "không còn gì thông thoáng hơn". "Nhiều đơn vị hỏi tôi liệu gói 7.500 tỷ này có cho vay hết nhanh hay không? Nhanh hay không tôi chưa dám khẳng định nhưng tin là sẽ cho vay được hết. Vì nhiều doanh nghiệp đang cần, đặc biệt là vay phục hồi sản xuất, như ở Bắc Giang phải dừng bốn khu công nghiệp, Bắc Ninh phải cách ly, phong tỏa nhiều nơi", ông Dung khẳng định.
26.000 tỷ đồng là gói hỗ trợ thứ hai được tung ra sau một năm rưỡi Việt Nam đối mặt với bốn làn sóng Covid-19. Báo cáo mới nhất của Tổng cục thống kê, đợt dịch mới nhất đã tác động tiêu cực tới 12,8 triệu người gồm mất việc, giãn việc, giảm thu nhập, giảm giờ làm.
Tháng 4/2020, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 42 (gói an sinh 62.000 tỷ đồng) hỗ trợ lao động, doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch. Sau hơn một năm triển khai, gần 13,2 triệu người nhận được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt trích từ ngân sách nhà nước.
Hoàng Phương