Sáng 5/7, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết cơ quan này đã xây dựng xong dự thảo hướng dẫn triển khai thủ tục gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trong chiều nay khi nhận được trả lời của các bên, ngành lao động sẽ tiếp thu, hoàn thiện gửi Bộ Tư pháp thẩm định trong ngày 6/7. Hướng dẫn sau đó sẽ trình Thủ tướng xem xét, ký ban hành quyết định để địa phương triển khai ngay.
Thứ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Lê Văn Thanh thông tin thêm, "tinh thần là giản lược tối đa thủ tục để người lao động nhận được tiền hỗ trợ sớm nhất". Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ chưa đưa ra thời gian cụ thể bởi phụ thuộc vào thời điểm hướng dẫn được thông qua. Riêng chính sách hỗ trợ lao động tự do, nghị quyết của Chính phủ đã giao về các địa phương nên tỉnh, thành cần chủ động làm và toàn quyền quyết định.
Trước đó khi họp với các đơn vị liên quan triển khai gói hỗ trợ, ông Đào Ngọc Dung yêu cầu mạnh tay cắt giảm tối đa thủ tục, khoảng 60% so với gói 62.000 tỷ trước đây, bớt khâu trung gian để người lao động nhận được tiền hỗ trợ nhanh nhất. Các đơn vị nhất quyết không để phát sinh thêm thủ tục hành chính, không để người lao động, doanh nghiệp đi lại nhiều lần.
Bộ trưởng dẫn chứng một gia đình 5 người đi cách ly nhưng không thể chi trả 80.000 tiền ăn một ngày mỗi người, nên đã xin chia nhau 1, 2 suất để giảm tiền. Câu chuyện về hai vợ chồng với ba con nhỏ này khiến "nhiều người rơi nước mắt". Do vậy, ông Dung nêu rõ tiền hỗ trợ cho các F0, F1, trẻ em đang cách ly, lao động chăm con nhỏ phải bố trí càng nhanh càng tốt.
Bộ sẽ ra hướng dẫn theo hướng giảm thời gian tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trước đây 4 ngày thì giờ giảm xuống còn 2 ngày. Kinh nghiệm cho thấy các cơ quan chuyên môn bao giờ cũng muốn thủ tục đầy đủ, bài bản, nhưng lúc này cần mạnh dạn cắt bớt. Bộ cũng sẽ có đường dây nóng công khai tiếp nhận ý kiến, giải đáp thắc mắc cho người dân. Hằng tuần tổng hợp tình hình triển khai để sớm gỡ khi có vướng mắc phát sinh.
Chính phủ hôm 1/7 ban hành gói an sinh 26.000 tỷ đồng hỗ trợ lao động, doanh nghiệp với thiết kế có nhiều cải tiến so với gói 62.000 tỷ đồng trước đây. 7 trong số 12 chính sách mới ban hành trực tiếp hỗ trợ tiền mặt một lần cho người lao động bị mất việc, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng do ảnh hưởng dịch, nhóm yếu thế như lao động nữ mang thai, các F0, F1, trẻ em bị ảnh hưởng do dịch; nhóm lao động đặc thù như nghệ sĩ trong các đơn vị công lập, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ.
5 nhóm chính sách còn lại hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp, chủ yếu liên quan bảo hiểm xã hội, như giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, tử tuất trong vòng 12 tháng; đào tạo giữ việc làm cho lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ hộ kinh doanh và cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% để trả lương ngừng việc, khôi phục sản xuất.
Hoàng Phương