Số lao động bị ảnh hưởng gồm những người mất việc, giãn việc, giảm thu nhập, giảm giờ làm, theo công bố của Tổng cục Thống kê sáng 6/7. 75% lao động bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi từ 25 đến 54.
Ngoài ra, 1,8 triệu người lâm vào tình cảnh không có việc làm và 1,4 triệu lao động dễ bị tổn thương do không có việc làm chính thức.
Thị trường lao động, việc làm nửa đầu năm 2021 tiếp tục chịu nhiều sóng gió khi hứng chịu hai làn sóng đại dịch hồi đầu năm và từ tháng 4 đến nay. Tình hình chưa thấy dấu hiệu khả quan khi cả tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm phi chính thức đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Dịch vụ vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất với khoảng 410.000 người thiếu việc làm. Lao động khu vực này sụt giảm cả về số lượng và tỷ trọng, khiến số người thiếu việc làm tăng cao.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở thành thị cao hơn so với nông thôn, tương ứng là 2,8% và 2,49%. Điều này chứng tỏ lao động thành thị đang chịu sức ép về việc làm so với nông thôn trong đại dịch. Xu hướng này đi ngược lại với tình trạng những năm trước, khi nông thôn luôn là khu vực thiếu việc làm cao hơn thành thị.
Quý II năm nay trở thành quý có tỷ lệ lao động phi chính thức cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây, khoảng 20,9 triệu người, tăng thêm 1,4 triệu so với cùng kỳ năm 2019. Đại dịch cũng chặn đà phục hồi và tăng trưởng thu nhập bình quân của người lao động, chỉ đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226.000 đồng so với quý đầu năm. Sự sụt giảm này ghi nhận ở hầu hết các ngành kinh tế, lao động bị ảnh hưởng đặc biệt nằm ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM và các tỉnh thành lân cận.
Tỷ lệ thất nghiệp của quý này dao động quanh mức 2%. Đại dịch đã tước đi hy vọng về khả năng tìm kiếm việc làm của người lao động. Đại diện Tổng cục Thống kê lý giải, khi mất việc, thay vì tích cực đi tìm việc làm khác, người lao động tin việc này bất khả thi và chấp nhận tạm rời khỏi thị trường, trở thành lao động không dùng hết tiềm năng trong nền kinh tế. Số người thất nghiệp không tăng tương ứng với số người mất việc, nên tỷ lệ thất nghiệp không tăng cao.
Đại diện Tổng cục Thống kê nhận định đây là thách thức với Chính phủ trong nỗ lực thực hiện mục tiêu kép. Đơn vị này khuyến nghị các cấp cần tích cực triển khai 12 chính sách hỗ trợ người lao động (gói 26.000 tỷ), ưu tiên lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc, hỗ trợ duy trì việc làm; có chính sách khuyến khích thanh niên, lao động trẻ chủ động gia nhập thị trường lao động, chuẩn bị các kỹ năng cần thiết đáp ứng những thay đổi. Các trung tâm dịch vụ việc làm cả nước cần tăng kết nối cung cầu, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động; tập trung hỗ trợ nhiều hơn cho công nhân, người buôn bán nhỏ và lao động phi chính thức...
Hồng Chiêu