Tôi là mẹ đơn thân, nuôi ba đứa con. Cháu lớn lớp bảy đã đến trường từ tháng trước. Hai cháu nhỏ, một lớp năm và một lớp ba hôm nay mới đi học trực tiếp, sau gần một năm ở nhà. Trong suốt thời gian các cháu không đến trường, tôi cũng nghỉ việc để chăm lo cho ba con.
Giải pháp học online kéo dài là bắt buộc, nhằm ngăn chặn sự bùng nổ lây nhiễm Covid-19 được đánh đổi bằng những rắc rối, xáo trộn cho các gia đình. Tôi đối mặt với nhiệm vụ "canh me" con học; trong khi nhiều phụ huynh khác chật vật với nguy cơ nghiện game của những đứa trẻ vốn không được tự do tiếp xúc với máy tính và Internet nhiều như thế.
Các chuyên gia sức khỏe tâm thần đã liên tục cảnh báo về tình trạng trầm cảm của trẻ trong thời gian học online, chưa tính đến một tỷ lệ không nhỏ phụ huynh cũng trầm cảm, vì phải đảm nhận quá nhiều vai trò cùng lúc: làm bố mẹ, làm ôsin, làm "gia sư" và cả làm "cảnh sát", trong khi chính họ thiếu đi các giao tiếp xã hội do nghỉ việc kéo dài.
Quyết định cho các cháu cấp một đi học trở lại ở Hà Nội thực sự giải tỏa áp lực cho chúng tôi. Tuy vậy, khó khăn chưa hết. Trường của hai cháu nhỏ nhà tôi vẫn chưa mở lại hoạt động bán trú như trước dịch; nghĩa là các cháu vẫn học buổi sáng ở trường, chiều lại về nhà. 11h trưa, tôi sẽ phải đi đón từng cháu một.
Tài chính chật vật, nhưng tôi vẫn chưa dám xin việc vì khó có công ty nào cho phép làm nửa ngày. Người bạn tôi, làm việc ở cách xa nơi con học, cũng chưa biết phải trình bày với cấp trên như nào để 10h30 rời văn phòng, kịp đón con lúc 11h - theo yêu cầu của nhà trường. Chỉ khi nào trường học mở lại với đầy đủ hoạt động bán trú, phụ huynh mới được "giải phóng" thật sự.
Ngoài ra, điều gây khó hiểu là Hà Nội vẫn tiếp tục giữ nhóm trẻ dưới 6 tuổi ở nhà, trở thành địa phương duy nhất trên cả nước chưa mở cửa trường mầm non dù dịch Covid đã qua đỉnh, việc sinh hoạt, đến các khu vui chơi, du lịch không còn bị hạn chế. Trẻ nít chưa đến trường, người lớn sẽ khó lòng đi xa hơn ngôi nhà của mình.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đang thiếu lao động trầm trọng sau gần ba năm Covid. Ước tính của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trong quý I, các doanh nghiệp ở thủ đô thiếu khoảng 80.000-100.00 chỉ tiêu tuyển dụng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó có việc lao động thiếu hụt do bất đắc dĩ phải chuyển thành "bố mẹ toàn thời gian".
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng 600.000 trẻ mầm non ở Hà Nội đã nghỉ học hoàn toàn từ tháng 4/2021. Không có thống kê chi tiết, nhưng trong 600.000 đứa trẻ đó có một số lượng không nhỏ không tìm được sự hỗ trợ từ ông bà, người giúp việc; không thể gửi vào các lớp trông trẻ "chui", buộc bố hoặc mẹ - những người đang trong độ tuổi lao động - phải nghỉ việc hoặc đi làm trong tình trạng phập phù.
Cho học sinh cấp một học bán trú toàn phần và để các cháu mầm non được đến trường sẽ giúp giải phóng phụ huynh, đồng nghĩa với giải phóng một lực lượng lao động không nhỏ vào thị trường việc làm.
Tôi đối mặt với những đợt trầm cảm dai dẳng suốt cả năm qua vì chỉ quanh quẩn góc bếp. Tin các cháu được đi học trở lại giúp tôi thấy đầu óc mình nhẹ nhõm hơn. Tôi dự định nộp hồ sơ vào một công ty khi hai cháu được đi học toàn phần như trước.
Covid-19, như mọi dịch bệnh từng có trong lịch sử, sẽ không kết thúc trong ngày một ngày hai. Không còn cách nào khác, tôi cũng như nhiều người đang dần tự giải phóng mình khỏi nỗi ám ảnh Covid để trở thành những người lao động bình thường như trước, bắt đầu bằng việc giải phóng mình khỏi bốn bức tường nhà.
Tôi cũng hạnh phúc được "thả" các con vào nơi mà chúng thuộc về - mái trường với thầy cô và bè bạn.
Dương Hương Trà