"Lãnh đạo Hà Nội sẽ phải quyết định việc này căn cứ vào tình hình dịch bệnh cụ thể", Thứ trưởng Sơn nói tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/4.
Ông Sơn thông tin, trong 62 tỉnh thành cho trẻ mầm non đến trường, có 7 tỉnh tạm dừng một huyện hoặc một thành phố do dịch bệnh tăng nhanh. Các địa phương nhận thấy việc đưa học sinh trở lại trường là cần thiết "nên đã chỉ đạo rất quyết liệt và tích cực", dù tình hình dịch bệnh ở mỗi nơi một khác.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn, các địa phương, Sở Giáo dục sớm đưa học sinh trở lại trường.
Đến nay, khi dịch bệnh chuyển biến tích cực, cả nước đã có 92,17% học sinh trở lại trường học trực tiếp ở tất cả các cấp. Chiều nay, Hà Nội quyết định cho phép lớp 1 đến lớp 6 (khoảng một triệu học sinh) đi học trực tiếp từ 6/4, đưa tỷ lệ học sinh đến trường lên 97%.
Quyết định của Hà Nội được đưa ra sau khi khảo sát và được hơn 75% ý kiến phụ huynh đồng thuận; nhiều quận, huyện có tỷ lệ nhất trí trên 90%. Để mở cửa, trường học phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống Covid-19 theo hướng dẫn liên ngành của Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo; xây dựng kế hoạch diễn tập và xử lý khi ghi nhận F0 tại trường; vệ sinh và khử khuẩn trước và sau buổi học.
Tại Hà Nội, 660.000 học sinh lớp 7-12 trở lại trường học trực tiếp từ 8/2, trong đó lớp 9 ở 18 huyện, thị ngoại thành đi học từ tháng 11/2021. Các em đã được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19. Ba tuần đầu tháng 2, học sinh tiểu học và lớp 6 ở ngoại thành Hà Nội được trở lại trường, nhưng sau đó phải tạm dừng vì số ca nhiễm tăng nhanh.
Như vậy, tính đến 6/4, Hà Nội chỉ còn cấp mầm non chưa được đến trường ngày nào kể từ tháng 4/2021. Đây là địa phương cho học sinh ở nhà với quy mô lớn và thời gian lâu nhất cả nước.
Hoàng Thùy - Viết Tuân