(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Mới đây, đoạn video ghi lại cảnh chiếc CR-V lùi ở làn mà các ôtô đi đúng chiều được phép chạy tốc độ tối đa 90 km/h tại đường Võ Nguyên Giáp (Hà Nội) hôm 5/6 được chia sẻ rộng rãi. Rất may, vụ việc không gây ra tai nạn đáng tiếc nào. Bên cạnh lỗi lái xe đi lùi trên cao tốc không phải bàn cãi của tài xế CR-V, chúng ta cũng cần chú ý đến cách xử lý của tài xế gắn camera hành trình để tránh va chạm. Khi phát hiện xe phía trước bật đèn cảnh báo, tài xế xe phía sau đã chủ động giảm tốc độ và đánh lái để tránh.
Lỗi của tài xế xe CR-V đi lùi là rất nguy hiểm và không có gì phải tranh luận. Tuy vậy, thời gian qua liên tiếp nhiều xe vẫn đi lùi trên cao tốc, dù đã có những tai nạn thảm khốc, và nhiều ý kiến cho rằng mức phạt hiện nay là chưa đủ răn đe.
Chiếc CR-V đi lùi đã tiếp tục làm dấy lên những tranh cãi về việc 'nếu tôi đâm phải xe đi lùi trên cao tốc, tôi có thể bị tội gì?', nhất là sau khi toà xử vụ lùi xe trên cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội làm 5 người chết. Theo bản án, ngày 19/11/2016, Sơn nhận hợp đồng chở 10 khách bằng ôtô Innova từ Bắc Ninh về thành phố Thái Nguyên. Khoảng 15h30 cùng ngày, do đi quá lối ra khỏi đường cao tốc thuộc khu vực nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên), Sơn đã lùi xe theo hướng Thái Nguyên - Hà Nội.
Ở phía sau xe Sơn, Hoàng điều khiển xe đầu kéo đi với tốc độ 62 km/h đi hướng Hà Nội - Thái Nguyên. Cách xe Sơn khoảng 70 m, Hoàng không phanh mà định vượt lên để tránh. Nhìn qua gương bên trái thấy có xe đầu kéo khác đang đến, Hoàng không chuyển làn được. Khi cách xe của Sơn khoảng 10 mét, Hoàng phanh xe và đánh lái về bên phải đường. Ở khoảng cách quá gần, đầu xe của Hoàng đâm vào đuôi xe của Sơn. Tai nạn khiến ba người lớn và một bé trai tử vong, sáu người bị thương. Tài xế Hoàng kêu oan khi bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù, nhưng đại diện VKS xác định Hoàng không giảm tốc độ khi gặp biển báo hiệu nguy hiểm "Đi chậm", không giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối thiểu khi phát hiện xe Innova phía trước bật đèn cảnh báo nguy hiểm.
>> Tài xế liên tiếp lùi trên cao tốc - mức phạt chưa đủ răn đe
Thông tư 31/2019/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới khi tham gia giao thông như sau:
Khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, người lái xe phải tuân thủ tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ sơn kẻ mặt đường trên các làn xe. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ dể có thể dừng lại một cách an toàn trong các trường hợp sau:
- Có báo hiệu cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường;
- Chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế;
- Tránh xe chạy ngược chiều hoặc khi cho xe chạy sau vượt; khi có tín hiệu xin đường, tín hiệu khẩn cấp của xe đi phía trước;
Trong khi đó, Điều 11 của Thông tư quy định, khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ, người lái xe phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình.
Vụ việc là bài học đắt giá cho các tài xế Việt, trong đó rất nhiều người không tuân theo luật giữ khoảng cách khi chạy xe tốc độ cao. Trên bất cứ cao tốc nào chúng ta cũng thấy cảnh các xe bám đuôi nhau dưới khoảng cách 100 m theo quy định. Khi có hai xe giữ đúng khoảng cách thì một xe các hồn nhiên chen vào giữa. Rất nguy hiểm. Đã có rất nhiều tai nạn khủng khiếp xảy ra chỉ vì một lỗi tưởng rất nhỏ: không giữ khoảng cách an toàn.
Trên xa lộ có vô số nguy hiểm không lường trước có thể xảy ra bất cứ lúc nào: một xe chết máy đột ngột dừng giữa đường, một tai nạn xảy ra bất thình lình ngay phía trước... Vì vậy mới có luật về giữ khoảng cách. Vậy hãy giảm tốc độ ngay khi phát hiện điều bất thường để hạn chế tối đa hậu quả. Mà muốn kịp giảm tốc độ thì không còn gì khác là tuân thủ luật giữ khoảng cách.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Bảo Nam