Tối qua 19/5, một cơn rung lắc dữ dội khiến thị trường tiền số chao đảo: đồng Bitcoin mất mốc 40.000 USD trong khi đồng Ethereum lùi về dưới 3.000 USD. Những ai đã đầu tư vào Bitcoin kể từ tháng 2 đều rơi vào tình trạng khóc không ra nước mắt vì "đồng tiền số" này đã giảm khoảng 40% giá trị.
Tôi từng viết bài Tôi không chơi vì Bitcoin quá vô lý để trình bày quan điểm: Trong cuộc chơi tiền số, ai không am hiểu thị trường, không có vốn mạnh, không can đảm thì tốt nhất đứng bên lề để quan sát. Chớ táy máy tay chân đầu óc để rồi bung tiền vào cuộc chơi của những con cá mập này.
Tôi có một số người bạn chơi coin. Trong năm 2020, một người trong nhóm đó đã mất trắng 200 triệu đồng và quyết định rửa tay gác kiếm. Trong khi đó, một số còn lại vẫn chìm đắm trong công cuộc đầu tư tiền số. Và thật hết nói nổi khi mới ngoài ba mươi tuổi nhưng họ nuôi mộng trade coin bắt đáy, đu đỉnh để kiếm nhiều tiền rồi về hưu sớm với nhà cao cửa rộng, xe sang, tiền tiêu không hết.
>> Sốt tiền ảo Bitcoin giống bong bóng dotcom năm xưa
Cũng đúng thôi, nếu tìm kiếm trên internet từ khóa "làm giàu trade coin", "đầu tư bitcoin làm giàu", bạn có thể bắt gặp cả tá câu chuyện như: "Đồng nghiệp em trước vật vờ ở công ty lương bèo bọt, năm kia đẩy hết tiền vợ tiền chồng mua bitcoin, gặp thời đã được gấp đôi tài khoản, bây giờ có nhà phố Hà Nội, ôtô các kiểu, không cần phải làm gì".
Rất nhiều người khác cũng đang nuôi mộng làm giàu nhờ trade coin. Khi các quán cà phê, quán ăn quanh văn phòng của tôi vào mỗi sáng hay trưa nếu bạn vào đó, đều có thể bắt gặp ít nhất một thanh niên tay này cầm thìa xúc cơm, tay kia cầm điện thoại, đôi mắt thì dán chặt vào màn hình thị trường tiền ảo.
Trong khi thị trường tiền số đỏ lửa tối qua, dù đã lỗ nặng nhưng bạn tôi vẫn còn đặt câu hỏi: "Có nên bắt đáy Bitcoin?". Giá trị Bitcoin nhảy múa như thế, thì biết đâu là đỉnh, đâu là đáy để bắt?
Bitcoin sau khi tăng trưởng liên tục, thu hút nhiều người đổ tiền thật vào, sẽ "bùm" một phát, mất đi vài chục phần trăm giá trị và điều này diễn ra theo chu kỳ. Vậy tiền vào túi ai? Dĩ nhiên là vào các cá mập, các sàn giao dịch hay những "đại gia" như Elon Musk. Những cá con với hy vọng lướt sóng với cá mập kiểu theo đóm ăn tàn thì chỉ một số rất ít người kiếm được tiền. Mà thực ra, đó là tiền của người này chảy vào túi người khác mà thôi. Nếu bạn lời một 1.000 USD thì có người mất đi con số tương ứng chứ bản thân tiền số không tạo ra giá trị nào cả.
>> Khóc mếu vì học chứng khoán từ 'chuyên gia' Tiktok
Một sự thật nghiệt ngã là trừ khi bạn rất may mắn được thừa kế nhiều tài sản thì không có con đường tắt nào dẫn đến sự giàu có và nghỉ hưu sớm cả. Đi bằng con đường chứng khoán hay trade coin thì chẳng khác gì đu dây cả. Bởi nếu thua thì mất tiền. Nếu thắng thì bạn có hài lòng với những gì đang có, hay góp hết tiền để đánh cược một cú lớn hơn? Thường thì những người làm giàu không nhờ sự lao động thì tiền "của Ceasar sẽ trả lại Caesar" hết mà thôi.
Nếu ai đang cháy túi, đổ nợ hay vỡ mộng vì sự sụp đổ của tiền điện tử thì hãy nhớ rằng cuối cùng vẫn phải làm việc để kiếm sống mà thôi, đừng quá hy vọng vào trò may rủi nữa.
Trên hết, tôi nghĩ Bitcoin nên trở về giá trị thực của nó, như là một đồng tiền ảo để giải trí, như cái cách mà một lập trình viên tên Laszlo Hanyecz đã mua hai chiếc pizza với 10.000 Bitcoin vào ngày 22/5/2010.
Trần Tùng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.