Bài viết 'Mua vài trăm đôla Bitcoin rồi quên nó đi' nêu những ưu việt của Bitcoin nói riêng và "tiền ảo" nói chung. Tuy nhiên, nhiều độc giả chỉ ra những điểm yếu khiến Bitcoin không thể lưu trữ giá trị như vàng và tiền mặt:
Lấy dẫn chứng có tối đa 21 triệu đồng, tức là Bitcoin hữu hạn, độc giả Phuong Bui phân tích:
Những cái hữu hạn thì không phù hợp để định nghĩa là tiền, vì tiền phải ổn định và tương ứng với giá trị vật chất của xã hội làm ra, bản thân tiền nó chỉ là vật quy đổi, nó có giá trị bởi vì được pháp lý công nhận thôi.
Trên đời này có hàng triệu thứ hữu hạn không sinh ra chứ không phải chỉ có Bitcoin. Và nếu nói ở khía cạnh đồng tiền số như Bitcoin thì dân developer phát triển ra nó chỉ cần vài tháng thậm chí vài ngày (thậm chí những đồng tiền sau này còn khắc phục được nhiều nhược điểm của Bitcoin như thời gian để tính toán xác thực). Vậy lý do gì để Bitcoin đáng giá hàng trăm nghìn, hàng triệu USD?
Đừng so vàng với Bitcoin vì vàng là kim loại quý (không phải tự nhiên nó được gọi là quý) mà hãy tự hỏi nếu Bitcoin quý thì tại sao "họ" không bỏ chi phí ra phát triển một đồng tiền số khác tốt hơn?
Chẳng qua là "cá mập" lừa những người tham tiền thôi, mọi bong bóng đầu cơ đều giống nhau ai đủ liều, nhanh nhạy và may mắn thì kiếm được tiền, nhưng cơ hội luôn kèm rủi ro. Không có những "cá con" với niềm tin như tác giả bài viết thì sao Bitcoin tăng giá được?
Độc giả có nickname black.killer1972: Nếu coi Bitcoin là một đồng tiền, thì nó chẳng thể lưu thông phổ thông được. Biên độ dao động giá quá lớn trong một khoảng thời gian quá nhỏ. Hôm nay bạn mua một ly cà phê, ngày mai cũng với số tiền đó bạn đã không thể mua nổi một cái ống hút nhựa, đó là thứ tiền gì?
Chỉ vài năm trước nó còn ở mức 2000- 3000 USD,vù một cái lên gần 20 nghìn USD rồi lại xuống, rồi giờ lại lên 50 nghìn USD. Bạn thử nghĩ xem nếu một nền kinh tế sử dụng một đồng tiền như thế thì hậu quả ra sao?
Độc giả bhtung92: Tác giả nói đúng về bản chất tiền tệ, và bản thân Bitcoin không xấu. Nhưng bạn phải chú ý tới một việc đó là tính điều tiết tiền tệ.
Với tiền tệ hiện hành, khi một nền kinh tế có vấn đề, thì các ngân hàng trung ương sẽ điều tiết nó để duy trì nên kinh tế. Nhưng Bitcoin hay các tiền điện tử thì không, bản chất nó là blockchain, không chịu sự kiểm soát, đồng thời không chịu sự công nhận, có niềm tin đủ lớn như tiền tệ hiện hành, không có biến, nó không thể giúp vận hành duy trì, cứu vãn nền kinh tế.
Có thể nó sẽ là tương lai, nhưng hiện tại chưa phải. Vậy nên hãy xem nó là một kênh đầu tư mạo hiểm lướt sóng, không nên coi đó là một điều đúng đắn để đặt trọn niềm tin.
Độc giả tuấn lê anh nói về "tính tiện lợi của Bitcoin":
Thời đại số hóa, ai cũng quẹt thẻ hoặc bấm mã QR là thanh toán, chuyển tiền thành công. Đơn giản hơn cả việc truy cập ví Bitcoin. Tiền giấy tương lai chỉ còn là phương tiện thanh toán ở những nơi hẻo lánh, chưa phổ cập được hệ thống thanh toán điện tử mà thôi.
Thanh toán bằng Bitcoin hay bằng chuyển khoản online thì chả có gì khác biệt. Sự khác biệt lớn nhất đê tạo nên giá trị Bitcoin hiện nay là tính ẩn danh - vô chủ - không thể kiểm soát.
Nhưng nếu mà như vậy thì khác gì tiếp tay cho trốn thuế, buôn lậu, giao dịch bất hợp pháp. Trừ phi các nhà khoa học nghiên cứu ra được một phương thức quản lý được các giao dịch trên mạng ngang hàng mà không thay đổi bản chất của Bitcoin là không thể đảo ngược thì may ra mới có thể được công nhận trên toàn cầu về mặt pháp lý. Nhưng sổ cái không ai sở hữu được thì làm sao có thể?
Bill Gates đúng. Trừ khi ta nhiều tiền hơn Elon Musk hoặc là thông minh hơn ông ấy thì hãy nên mua Bitcoin.
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.