Sau những biến động tăng giảm giá trị thất thường của tiền ảo, như Bitcoin, luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết về tương lai của tiền ảo.
Cơn sốt tiền ảo lên cao trong vòng có một tháng, rồi giảm nhiệt nhưng Bitcoin vẫn nằm ở khoảng 13.000 đôla, một con số không nhỏ. Etherium and Litecon cũng vẫn còn khá sốt.
Một số nước đã cấm giao dịch bằng tiền ảo, trong đó có Hàn Quốc. Mỹ thì không có quy định cụ thể nào, họ chỉ quan tâm tới thị trường tiền ảo bằng các biện pháp có sẵn: chống giao dịch tay trong (insinder trading), chống lừa đảo... Những ai muốn mua bán bằng tiền ảo Mỹ cũng để yên.
Tiền ảo có hai loại: tiền và token. Tiền thì chỉ hoạt động như tiền, tức là nó chả có tác dụng gì ngoại trừ để trao đổi. Token thì có một chức năng, như Redcoin, có tác dụng để gửi thông tin khi một người click "like", đại khái là một công cụ để bán thông tin quảng cáo.
Tiền thật đã có quãng đường tiến hoá thế nào? Thời cổ đại người ta dùng vỏ sò và các loại đá hiếm làm tiền. Sau đó thì người ta dùng vàng: vàng không bị hư hại và có thể dùng làm hệ quy chiếu giá trị. Dần dần thì phải dùng cả bạc và đồng vì trữ lượng vàng thấp, không thể dùng phổ biến.
Ở Trung Quốc thời xưa, mãi tới nhà Hán thì nhà nước mới chính thức ban hành tiền xu và quy định giá trị. Trước đó thì khối lượng vàng, bạc và đồng mới quyết định giá trị của đồng tiền.
Thời buổi ngày nay, các nước dùng cả tiền giấy và tiền xu. Tiền giấy nếu không do Nhà nước quy định thì tờ polymer đấy chả có tác dụng gì cả. Tiền xu cũng vậy, nhiều lắm là lượng kim loại trong đó có chút giá trị, nhưng giá trị kim loại thấp hơn hẳn mặt giá của đồng xu.
(Xem thêm: Tôi bị 'bắt chẹt' mua hàng trên 200.000 đồng mới được trả bằng thẻ)
Ở mặt khác, những quy định của nhà nước chỉ giới hạn trong khả năng chống tiền giả, tức là chỉ có nhà nước mới phát hành được những tờ giấy và những đồng xu được gọi là tiền.
Còn về giá trị đổi chác của các tờ giấy và đồng xu đó thì các quy định cũng chẳng có tác dụng mấy, cái quyết định là thị trường.
Chẳng hạn, ngày hôm nay một đôla có thể mua được 1kg gạo. Ngay ngày mai số lượng gạo giảm một nửa vì mưa bão mà lượng tiền vẫn còn nguyên thì một đôla chỉ có thể mua nửa kg gạo.
Ở Zimbabwe, nhà nước có cố cách mấy thì đồng đôla Zimbabwe cũng trở thành giấy lộn - lượng hàng hoá sản xuất ở nước này quá ít mà chính phủ thì cứ in tiền. Người dân vì vậy đòi thêm tiền để trả cho hàng hoá. Lạm phát vì thế phi mã và người dân mất hoàn toàn lòng tin và đồng đôla Zimbabwe.
Tiền ảo như Bitcoin có tác dụng như tiền thật khi nó (1) được bảo đảm sẽ không bị làm giả nhờ công nghệ block chain và (2) được người dân chấp nhận làm hệ quy chiếu giá trị. Bitcoin còn có một lợi thế nữa: nó chỉ có một số lượng nhất định, tức là nó cũng giống như vàng. Vàng thì cả thế giới ai cũng công nhận là có giá trị trao đổi, nó không cần sự công nhận của chính phủ nào cả.
(Xem thêm: Tại sao nói thẻ tín dụng là 'con dao hai lưỡi'?)
Việc chuyển tiếp từ tiền giấy sang tiền ảo là gần như không thể tránh được. Ở các nước phát triển, các giao dịch bây giờ đa số chỉ toàn bằng chuyển khoản và bằng thẻ. Tiền ảo như là Bitcoin có lợi thế là giao dịch nhanh và không bị làm giả.
Các chính phủ trên thế giới đều sẽ phải chấp nhận là tiền ảo có thể dùng để giao dịch, nếu người dân đều chấp nhận điều này. Khi đó các biện pháp quản lý tiền tệ sẽ phải phát triển theo một xu hướng khác hẳn. Nhưng rồi thì các chính phủ cũng sẽ tìm ra các biện pháp để thích nghi - họ đã và đang làm các điều này suốt cả trăm năm qua, và nhất là 30 năm qua khi công nghệ thông tin liên tiếp bùng nổ.
Còn tạm thời bây giờ thì mua bán tiền ảo cũng giống như những vụ đầu cơ trong cơn bong bóng dotcom. Ai có gan và biết rút trước khi bong bóng nổ thì sẽ kiếm được khá. Còn phần lỗ thì sẽ thuộc về những ai không làm được điều trên.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.