Tôi xin chia sẻ trải nghiệm mua sắm Tết thực dụng của gia đình tôi, có bốn người gồm ba người lớn, một trẻ nhỏ. Lễ cúng ông Táo 23 tháng Chạp và lễ Tất niên tôi gộp làm một để làm giản đơn hơn.
Ngày cuối năm, cúng giao thừa xong, trưa mồng một cúng tân niên tôi mới hóa vàng luôn, coi như xong phần lễ nghi.
Về mua sắm: hai chiếc bánh chưng 30 nghìn đồng mua ở chợ. Các đồ mua trong siêu thị thì (giảm 12% giá = theo thẻ tín dụng giảm 10% và 2 % thẻ thành viên), một khoanh giò mua trong siêu thị, một bao gạo dùng để thắp hương (xong rồi ăn hàng ngày), một kg muối, một kg đường, hai chai dầu ăn dùng để thắp hương xong rồi sử dụng, pho mát ( thắp hương xong cho con ăn, sữa tiệt trùng (thắp hương xong rồi con uống không phải mua), một cây thuốc lá, vài lạng chè (cúng xong bố tôi dùng).
Ô mai dùng để tiếp khách, hạt hướng dương, hạt dẻ, bim bim các loại cho con ăn vặt, bánh ăn sáng... sau khi thắp hương xong, chai rượu vang cúng tân niên mùng một được mở để cả gia đình uống. Toàn bộ các đồ dùng thắp hương chỉ mua những thứ sau đó rất cần dùng hàng ngày, không mua đồ thừa thãi không dùng đến.
Gia đình tôi chỉ thổi đúng một đĩa xôi thắp hương, không làm các món mặn ê hề rồi nhét tủ lạnh. Mùng hai Tết chợ họp từ sáng sớm ngay cạnh nhà, mua gì có nấy. Vàng mã tôi không mua vì nhà có máy in màu: tự in tiền vàng, quần áo tượng trưng các mẫu đã lưu sẵn trên máy tính. Tôi thấy như vậy đẹp và rẻ (chả có lý gì vàng mã mình làm đẹp vậy thì không được).
Như vậy, mua sắm Tết của gia đình tôi không quá hai triệu đồng (thực ra là mua trước các đồ dùng sau này thôi) tính ra thực tế chi tiêu cho Tết không đến 100 nghìn đồng.
Khoản buộc phải mua là đi biếu nội ngoại. Hy vọng kinh nghiệm Tết của gia đình tôi giúp ích cho các chị em thu nhập trung bình và thấp có cái Tết đầy đủ, tiết kiệm, nhanh gọn.
Đào Thúy Quỳnh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.